Mệt mỏi chờ được hoàn thuế
Gần một năm nay, Công ty TNHH TM Hòa Thuận (quận 1, chuyên xuất khẩu cao su) không có nhân viên đến văn phòng để làm việc, chỉ còn giám đốc đến công ty để tiếp khách hàng ngày. Bà Đinh Thị Thanh Tâm, giám đốc công ty, cho biết, từ tháng 11-2021 đến nay, công ty vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nên không còn nguồn vốn lưu động để sản xuất.
Đến quý 2-2022, số tiền hoàn thuế đã lên hơn 50 tỷ đồng nên Công ty TNHH TM Hòa Thuận buộc phải ngưng xuất khẩu do không còn vốn để kinh doanh. Những năm trước, trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu hơn 60.000 tấn cao su tươi qua các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, thu về khoảng 70 triệu USD/năm. Nhưng nay, nguồn tiền duy trì hoạt động đã cạn kiệt, công ty phải cắt giảm chi phí, cho nhân viên nghỉ ở nhà và chỉ trả hơn 50% lương…
Nhiều công ty xuất khẩu cao su đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế |
Cũng trong hoàn cảnh chờ được hoàn VAT gần 40 tỷ đồng, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH TM Hoàng Dũng (quận 10), bức xúc nói, công ty đã có nhiều văn bản gửi ngành thuế TPHCM đề nghị giải quyết nhưng vẫn không có văn bản hồi âm. Tương tự, ông Nguyễn Tiến Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Vạn Xuân (quận 1), cho hay, từ tháng 11-2021, công ty vẫn chờ ngành thuế TPHCM hoàn 58 tỷ đồng VAT. Do tiền hoàn thuế chưa được quyết toán nên công ty buộc phải giảm 80% doanh số xuất khẩu năm nay.
Theo ghi nhận, tình trạng chậm hoàn VAT đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM, thông tin, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội cũng đang mỏi mòn chờ được hoàn thuế. “Với các doanh nghiệp sản xuất thì việc chậm hoàn 10-15 tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để duy trì sản xuất, trong bối cảnh lãi suất quá cao”, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.
Cần sớm tháo gỡ
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tình trạng chậm hoàn VAT xảy ra từ 2 năm qua tại nhiều doanh nghiệp, trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là các ngành cao su, gỗ, cơ khí… Mới đây nhất, ngày 29-3, các doanh nghiệp thành viên đã đồng ký đơn gửi Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị về việc các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đóng trên địa bàn TPHCM chậm được Cục Thuế TPHCM xét hoàn VAT đối với mặt hàng cao su sơ chế xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp, Cục Thuế TPHCM yêu cầu phải có kết quả xác minh nguồn gốc hàng cao su (tức là phải kiểm tra, xác minh các khâu trung gian từ F1, F2, F3, F4… Fn đến khâu cuối cùng), khi có kết quả xác minh tới khâu cuối cùng thì mới xét hoàn VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, Cục Thuế TPHCM yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu (giấy báo có) phải có thông tin “số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền” thì mới xét hoàn VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cuối cùng mới đến bước tiến hành xác minh thông tin doanh nghiệp mua hàng ở nước ngoài.
Nhiều công ty xuất khẩu cao su đang chờ được hoàn thuế giá trị gia tăng |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cho rằng, những yêu cầu này của cơ quan thuế là trái ngược với quy định của pháp luật hiện hành, bởi ngày 15-10-2013, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 13076/BTC-TCT không yêu cầu phải xác minh các khâu trung gian; văn bản số 1017/TCT-CS của Tổng cục Thuế ban hành ngày 25-3-2019 cũng không đề cập các thông tin như yêu cầu nói trên. “Việc xác minh là quyền của cơ quan thuế, nhưng cũng không quá 40 ngày theo quy định. Có trường hợp Cục thuế TPHCM đã gửi công văn xác minh gần một năm nay, nhưng vẫn chưa có kết quả trả lời từ Vụ hợp tác quốc tế - Tổng cục Thuế, dẫn đến doanh nghiệp chưa được xét hoàn thuế”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc.
Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, hiệp hội đã làm văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn VAT. Theo ước tính, số tiền VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên đến con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp chưa được hoàn thuế; có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên đến 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân là các quy định của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế; yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan công an, hải quan… xác minh nguồn gốc gỗ. “Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thuế chưa nhất quán hướng dẫn về xác minh nguồn gốc lâm sản, trong khi chuỗi cung ứng gỗ trồng đến từ nhiều nhóm đối tượng, bao gồm hàng chục ngàn hộ tư thương, kinh doanh cá thể nhỏ lẻ ở nhiều địa phương khác nhau. Do đó, việc xác minh mất rất nhiều thời gian, có khi là điều không thể thực hiện”, văn bản kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu rõ. Vì thế, giải pháp cần kíp là có sự thống nhất giữa hai bộ, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn VAT sớm nhất cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tránh nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp phá sản.
Việc chậm hoàn VAT khiến các doanh nghiệp cho rằng như vậy là không công bằng. Nếu doanh nghiệp chậm đóng thuế thì bị tính lãi chậm nộp, thậm chí cấm xuất cảnh, nhưng còn tiền của doanh nghiệp đang nằm kéo rê ở cơ quan thuế thì không có ai chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp chính là “hà hơi tiếp sức”, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Liên quan đến tình trạng chậm hoàn VAT, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết đã ghi nhận và trao đổi với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM nhằm đẩy nhanh việc hoàn thuế. Trong điều kiện hiện nay, khi các doanh nghiệp thiếu vốn thì việc hoàn thuế rất có ý nghĩa, ít nhất là để doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng: Theo quy định hiện nay, trách nhiệm của ngành thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp thì phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau. Nếu chứng minh được việc chậm trễ hoàn thuế là do lỗi từ cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền phải hoàn trả, cơ quan thuế còn phải trả lãi với mức 0,03%/ngày, tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn.