Chậm giải phóng mặt bằng do vướng đất trồng cao su

Tỉnh Đồng Nai có hàng loạt dự án giao thông, khu dân cư, khu công nghiệp đang triển khai sử dụng một phần diện tích đất trồng cây cao su do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý.
Chậm giải phóng mặt bằng do vướng đất trồng cao su

Do chưa có đơn giá bồi thường, hỗ trợ mới đối với đất trồng cây cao su nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm trễ.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hơn 2.000ha đất trồng cây cao su do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý để thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với số tiền hơn 1.100 tỷ đồng (600 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, giá bồi thường quá cao nên kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xác định lại giá đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất trồng cây cao su và thu hồi chênh lệch, nộp trả ngân sách nhà nước.

Do chưa có phương án bồi thường mới cho đất trồng cây cao su nên công tác GPMB nhiều dự án giao thông trọng điểm, khu tái định, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất ì ạch. Cụ thể, huyện Long Thành có hơn 10 dự án sử dụng hàng trăm hécta đất trồng cây cao su; dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) sử dụng 18ha đất trồng cây cao su do Nông trường cao su huyện Long Thành (thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) quản lý; các dự án Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, Long Đức, Bàu Cạn - Tân Hiệp; một số dự án ở huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, TP Long Khánh...

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu đất diện tích lớn, giá trị kinh tế cao do Tổng Công ty cao su Đồng Nai quản lý, trồng cây cao su và việc lập thủ tục thu hồi đất, GPMB đang gặp khó khăn trong việc xác định chính sách hỗ trợ vườn cây cao su. Hiện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chưa đồng thuận về chủ trương thu hồi đất đấu giá, thanh lý cây cao su để hoàn thành công tác GPMB. Đồng thời, việc thu hồi đất trồng cây cao su, tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất theo Điều 62, Luật Đất đai để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thì dự án phải đăng ký vào kế hoạch sử dụng hàng năm của cấp huyện nên thời gian kéo dài so với trước đây.

UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ với giá cây cao su, giao Sở TN-MT tham mưu quy trình thu hồi đất trồng cao su để sớm triển khai các dự án và có biện pháp chế tài với các đơn vị chậm bàn giao mặt bằng.

Tin cùng chuyên mục