Sáng 31-3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000 - 2020.
Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" TPHCM Võ Văn Hoan.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, sau 20 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000 - 2020 đã gắn kết với nhiều cuộc vận động và chương trình hành động cách mạng, phát huy vai trò tự quản của người dân gắn với vai trò chỉ đạo và tổ chức hoạt động các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể. Phong trào đã tạo tiền đề và điều kiện cho thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân bằng hình thức tự quản ở cộng đồng.
Theo đó, đã có nhiều phong trào, mô hình hay, có ý nghĩa quan trọng như: Phong trào xây dựng “Gia đình Văn hóa”, giai đoạn 2000 - 2020 đã có tổng cộng hơn 20,1 triệu lượt gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”, qua 20 năm đã tuyên dương hơn 5.400 gương người tốt, việc tốt cấp TP; 600.000 gương người tốt, việc tốt cấp quận, huyện, phường xã.
Ngoài ra, còn các mô hình phong trào khác đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần người dân như gắn kết cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào xây dựng “Khu phố, ấp văn hóa, “Phường, thị trấn đạt chuẩn ăn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phong trào toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá: Trải qua 20 năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và dần đi vào chiều sâu. Các nội dung, tiêu chí trong phong trào đều gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Đồng thời, trong chương trình kiểm tra việc thực hiện phong trào tại các địa phương, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các danh hiệu nói chung, danh hiệu gia đình nói riêng. Việc bình xét cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia. Qua đó, chấm dứt việc bình xét các danh hiệu mang tính hình thức.
Ban Chỉ đạo phong trào cấp TP và tại địa phương cần nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm để từ đó tiếp tục đưa phong trào phát triển đi vào chiều sâu. Đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, từ trong các cơ quan nhà nước đến ngoài xã hội. Xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là tại các huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, các đối tượng thanh thiếu niên và người cao tuổi.
Mặt khác, tiếp tục triển khai và xây dựng các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng của các phong trào như “Người tốt việc tốt”, “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”, phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”…
Dịp này, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho 1 cá nhân và 1 tập thể; UBND TPHCM tặng bằng khen cho 97 tập thể và 24 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000 - 2020.