Chấm dứt những biến tướng của việc dạy thêm, học thêm

Sau 12 năm có hiệu lực thi hành, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đã lạc hậu, lỗi thời. Mới đây, việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định mới về dạy thêm, học thêm (gọi tắt là Thông tư 29, có hiệu lực từ ngày 14-2-2025) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, kể cả ý kiến trái chiều từ đội ngũ giáo viên.

Lớp học thêm ngừng hoạt động

Ở khu vực phía Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) Trần Bích Thảo cho biết, từ ngày 14-2, trường ngưng tổ chức hoạt động buổi hai để thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT. Thay vào đó, học sinh chỉ đến trường 2 buổi chiều/tuần để học kỹ năng sống và tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo chương trình đã đăng ký với phòng GD-ĐT từ đầu năm.

Tại Hà Nội, nhiều trường THCS, THPT thông báo dừng các lớp dạy thêm tại trường. Đối với học sinh các lớp cuối cấp (lớp 9, lớp 12), trường học đứng trước 2 lựa chọn là tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh và không thu tiền - đồng nghĩa giáo viên phải dạy miễn phí, hoặc dừng hoàn toàn hoạt động ôn tập để học sinh tự học tại nhà hay đăng ký học thêm tại các trung tâm được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường. Cá biệt, có trường vẫn duy trì hoạt động ôn tập nhưng giảm số tiết/tuần.

J4c.jpg
Tiết học bổ trợ kiến thức của học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ảnh: PHAN THẢO

Thầy Vũ Duy Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), chia sẻ, dù giáo viên rất tâm tư nhưng trường vẫn quyết định duy trì các lớp ôn tập cho học sinh lớp 12 vì hiện đã vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ khác với học kỳ 1 là không thu tiền.

Ở khu vực miền Trung, theo ghi nhận tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), các lớp học thêm môn Toán, Tiếng Việt, Tin học sau giờ học chính khóa được duy trì đến hết tháng 2-2025. Từ đầu tháng 3-2025, trường chỉ tổ chức học thêm môn năng khiếu.

Tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), các lớp dạy thêm ngoài giờ chính khóa để hỗ trợ kiến thức cho học sinh đều dừng hoạt động. Chị V.L.H., có con học lớp 3 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), cho hay, giáo viên thông báo lớp học thêm tạm dừng, chờ hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý.

Ở khu vực phía Nam, tại TPHCM và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các lớp dạy thêm trong và ngoài nhà trường đều ngừng hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo anh Quang Long, có con học lớp 8, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TPHCM), giáo viên mở lớp dạy kèm con anh từ đầu năm học đến nay thông báo ngưng tổ chức lớp từ ngày 15-2. “Thầy giới thiệu cho con tôi 3 địa chỉ trung tâm dạy thêm, nhưng khi liên hệ thì một trung tâm không nhận học sinh, 2 nơi còn lại cho biết sẽ xếp lớp vào đầu tháng 3. Khi so sánh học phí, tôi thấy học phí ở trung tâm cao hơn 10%-30% học phí học thêm tại nhà thầy”, anh Long nói.

Đối với khối tiểu học, quy định mới chỉ cho phép học sinh học thêm các môn năng khiếu. Tuy nhiên, việc tổ chức lớp theo hình thức này phải dựa vào năng lực, sở thích của học sinh, không thể bắt các em học đại trà như 2 môn Toán và Tiếng Việt.

Đối với học sinh cuối cấp, trường học gặp nhiều khó khăn khi không được thu tiền các lớp ôn tập sau khi kết thúc chương trình năm học. Đại diện các trường đều cho rằng, quy định mới có thể áp dụng từ đầu năm học 2025-2026 để nhà trường, phụ huynh, học sinh chủ động phương án thay thế, không nên thay đổi vào giữa học kỳ 2 sẽ gây khó khăn cho tất cả đối tượng liên quan.

Lo “bình mới, rượu cũ”

Hiện nay, ở các đô thị lớn, người học có nhiều sự lựa chọn trung tâm dạy thêm. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, số lượng trung tâm dạy thêm chưa đáp ứng đủ nhu cầu người học. Học sinh không được học thêm ở trường sẽ có nhiều thời gian ở nhà, có thể sa đà vào chơi game, lên mạng xã hội…

Ở góc độ khác, theo cô Nguyễn Thị Hương, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 (tỉnh Nghệ An), chương trình học hiện nay vẫn quá tải, áp lực thi cử nặng nề, nếu chỉ học chính khóa ở trường, học sinh không đủ tự tin để có “cửa” vào đại học. Từ trước đến nay, học sinh phải củng cố, bổ sung kiến thức ở các lớp học thêm trong và ngoài nhà trường.

Giáo viên này nhận định, quy định mới về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT sẽ đạt hiệu quả khi áp lực thi cử không còn nặng nề, chương trình học không quá tải như hiện nay. Do đó, song song với việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT cần xem xét giảm tải chương trình học và thi cử, đồng thời tiếp tục nâng cao thu nhập cho giáo viên để người thầy không phải “chạy đua” dạy thêm để trang trải cuộc sống.

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của Thông tư 29 trong việc chấm dứt những biến tướng của dạy thêm, học thêm, như giáo viên dạy qua loa trong giờ học chính khóa để “kéo” học sinh ra lớp học thêm, học sinh bị ép đăng ký học thêm dưới vỏ bọc tự nguyện, học thêm để có điểm số tốt… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới đã triệt tiêu nhu cầu dạy thêm, học thêm chính đáng của một bộ phận giáo viên và học sinh.

J1e.jpg
Lớp học 6/1 Trường Trung học cơ sở Bình Trị Đông B (quận Bình Tân, TPHCM) năm học 2024-2025. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cô T.M.T., giáo viên dạy Ngữ văn ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), đặt câu hỏi: “Nếu lớp dạy thêm tại nhà của giáo viên đảm bảo tất cả yêu cầu về diện tích, ánh sáng, lối thoát hiểm, phòng cháy, chữa cháy thì vì sao không được tiếp tục hoạt động? Việc dạy tại nhà riêng có nhiều cái lợi vì không thông qua đơn vị trung gian nên tiết giảm chi phí cho người học, linh động giờ giấc hơn so với dạy thêm ở trung tâm”.

Em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 11, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM), bày tỏ: Em đăng ký học thêm với giáo viên chủ nhiệm vì cô là người hiểu rõ năng lực của em nhất. Phương pháp cô dạy dễ hiểu, lớp học gần nhà. Theo quy định mới, em phải tìm thầy cô khác để học thêm. Điều này thật vô lý vì gia đình em bỏ tiền nhưng không được chọn giáo viên yêu thích.

Hiện nay, để không trái quy định mới, nhiều giáo viên phải giới thiệu học sinh của mình đến các trung tâm dạy thêm hoặc “trao đổi” học sinh lớp mình đang dạy chính khóa với giáo viên khác để không vi phạm quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh đang dạy chính khóa. Một số thầy cô chuyển đổi hình thức dạy thêm từ trực tiếp sang trực tuyến trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan quản lý. Thực tế, tất cả cách làm nói trên chỉ mang tính đối phó, chưa thể giải quyết tận gốc mặt trái của hoạt động dạy thêm, học thêm.

Về phía các trường phổ thông, quy định mới không cho phép thu tiền đối với hoạt động dạy thêm để bổ sung kiến thức, tăng cường ôn tập cho học sinh các lớp cuối cấp. Để đảm bảo quyền lợi cho người dạy lẫn người học, các địa phương nên quy định thêm kinh phí hỗ trợ giáo viên hoặc hướng dẫn cụ thể nếu cho phép các trường thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT PHẠM NGỌC THƯỞNG:

Địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ giáo viên

Việc ban hành Thông tư 29 là để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với mục tiêu hình thành phẩm chất, năng lực; xây dựng, phát triển khả năng, phương pháp tự học và học tập suốt đời cho người học. Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm, học thêm, chỉ cấm hoạt động dạy thêm không đúng quy định.

Nguyên tắc là dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không được cắt xén, trùng lắp nội dung dạy học. Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh, nghĩa là không có bất cứ hình thức ép buộc nào, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo nói riêng, ngành giáo dục nói chung.

Bộ GD-ĐT khuyến khích Sở GD-ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh trong trường học, gồm: các em chưa đạt chuẩn yêu cầu của chương trình, các em tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, các em có nhu cầu ôn tập kiến thức ở các lớp cuối cấp. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện các giải pháp đồng bộ như đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, bố trí chất lượng giáo viên đồng đều giữa các trường học, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh…

* Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM HỒ TẤN MINH:

Công khai địa chỉ trung tâm dạy thêm

Thông tư 29 quy định giáo viên các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Thầy cô có nhu cầu dạy thêm có thể đăng ký ở các trung tâm dạy thêm.

Các trung tâm này phải đăng ký kinh doanh và được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động. Ngành giáo dục sẽ tổ chức cổng thông tin công khai tất cả địa chỉ trung tâm dạy thêm được cấp phép hoạt động cũng như thông tin về giáo viên, mức học phí, các môn dạy thêm, thời lượng giảng dạy…

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp với UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm để các cá nhân, tổ chức thực hiện đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục