Sự thất vọng lớn nhất ở đây là các nhà máy có nguồn vốn nhà nước hoặc chưa từng hoạt động, hoặc phải ngưng sản xuất kéo dài nhưng không dám “khai tử”, phải chi nhiều tỷ đồng mỗi năm để bảo trì, trả lãi vay, thuê bảo vệ nhà máy.
Ba nhà máy sản xuất ethanol có nguồn vốn từ nhà nước đều có sự tham gia góp vốn của “dòng họ dầu”: Nhà máy ethanol Phú Thọ và ethanol Bình Phước được Tổng công ty Dầu Việt Nam (mã chứng khoán OIL) đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng; Nhà máy ethanol Dung Quất có vốn từ Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, khoảng 2.100 tỷ đồng. Điều trớ trêu là, tuy các nhà máy ngưng hoạt động đã lâu (bởi nếu có hoạt động sản xuất thì bị lỗ) nhưng xử lý tiếp theo thế nào lại bị “đánh võng”, như trường hợp Nhà máy ethanol Phú Thọ.
Tháng 7-2019, OIL làm công văn xin ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, nhưng đến nay đã 5 năm vẫn chưa có câu trả lời. Kéo dài sự tồn tại của nhà máy đồng nghĩa ôm gánh nặng tài chính: lãi vay sinh sôi nảy nở từng ngày kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết! Tiền này của ngân sách, cũng là thuế của dân, không xử lý dứt khoát dẫn đến hao mòn nội lực của quốc gia. Một câu chuyện khác là những dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trước đây đang bị dang dở. Theo tổng kết của Bộ KH-ĐT, cả nước có khoảng 200 dự án BT thanh toán bằng quỹ đất vẫn chưa quyết toán xong, không làm tiếp được.
Dự án dang dở nhưng các chi phí nảy nòi từng ngày, sẽ dẫn đến việc đội vốn công trình. Chắc chắn mai này khi dự án hoàn thành, người dân phải gánh toàn bộ những khoản phát sinh! Thật ra, lâu nay những dự án như thế này khá phổ biến, trở thành gánh nặng của giới đầu tư cũng như quốc gia. Tuy nhiên, hy vọng từ câu chuyện xử lý 154 dự án điện mặt trời, sẽ trở thành bài học để giải quyết tình trạng nói trên.
Theo đó, tại cuộc họp vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét cho hòa lưới điện đối với những dự án nói trên sau khi có kết luận thanh tra và đã khắc phục sai phạm. Đây là vấn đề gây bức xúc dư luận khi hàng loạt dự án được đầu tư nhưng không được mua điện - sự việc kéo dài khoảng 3 năm qua. Các chủ đầu tư như ngồi trên lửa, đối mặt nguy cơ vỡ trận.
Điều trớ trêu là tuổi thọ của pin điện mặt trời là 20 năm, nhưng kéo dài thời gian không được mua điện thì cơ hội hòa vốn của các dự án trở nên xa vời, đừng nói đến lợi nhuận! Trên thực tế, chúng ta phải vay mượn từ nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư hạ tầng, trong khi đó lại để xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí là không thể chấp nhận. Khắc phục tình trạng này, việc đầu tiên phải có giải pháp tổng thể, rà soát từng bộ ngành, tỉnh thành về tình trạng tất cả các dự án đầu tư của từng lĩnh vực.
Đối với dự án không mang lại lợi lộc gì cho dân cho nước, nên chăng cho “khai tử” tức thì. Những dự án cần kíp đưa vào phục vụ người dân mà còn vướng về thủ tục như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nên sớm tập trung xử lý nhanh chóng, vướng ở đâu tập trung tháo gỡ ở đó. Còn các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang dang dở mà bị vướng cơ chế, vướng luật..., nhất thiết phải sớm trình Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, dứt khoát đối với những dự án kéo rê, làm nghèo đất nước!