Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khoá XV, đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu quan điểm cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, cần phải ưu tiên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (hiện Chính phủ đang đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022); rà soát, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế; Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác. Nghiên cứu, xây dựng mới Luật điều chỉnh về phòng bệnh hoặc phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, Luật Điều chỉnh về trang thiết bị y tế, Luật Điều chỉnh về chuyển đổi giới tính, Luật Điều chỉnh về Y dược cổ truyền, Luật Dân số (thay thế Pháp lệnh dân số).
Lĩnh vực tiếp theo mà Ủy ban Xã hội quan tâm là công tác bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực gia đình, nhiệm vụ lập pháp cần triển khai là sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 5-2022); sửa đổi Luật Bình đẳng giới…
Luật Công đoàn, Luật Hoạt động chữ thập đỏ và nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện, nhân đạo… cũng là những nhiệm vụ lập pháp quan trọng, theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Việc triển khai thực hiện định hướng hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội có khối lượng công việc rất lớn. Do đó. Ủy ban Xã hội đã xác định một số giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ lập pháp. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục và bảo đảm chất lượng nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt kiên quyết không thẩm tra những dự án luật không bảo đảm chất lượng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhưng vẫn đảm bảo tính phản biện, độc lập, khách quan trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
“Công tác xây dựng pháp luật là hoạt động phức tạp và rất khó để có được những dự án luật có chất lượng nếu đầu tư chi phí thấp. Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội cần bố trí ngân sách xây dựng pháp luật thích đáng, với chế độ tài chính phù hợp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội”, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đề xuất lộ trình hoạch định chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030 thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý và đặc biệt là chấm dứt hiện tượng “xếp gạch, đặt chỗ”, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí, không trên cơ sở nhu cầu thực sự, không dựa trên cơ sở bằng chứng, chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ; từng bước khắc phục tình trạng xây dựng luật chắp vá, manh mún, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên.