Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết, sắp tới đây, ngành sẽ chấm dứt biên chế đối với giáo viên để chuyển sang chế độ hợp đồng. Hiện đội ngũ cán bộ giáo dục cả nước lên tới hàng triệu người, do đó chính sách mới khi áp dụng có tác động xã hội không nhỏ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ quan điểm của ông với báo giới về vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Việc chuyển hàng triệu viên chức hoạt động trong ngành sang chế độ lao động hợp đồng sẽ có tác động thế nào tới lĩnh vực giáo dục - đào tạo nhân lực, thưa ông?
- ÔNG BÙI SỸ LỢI: Tôi được biết, hiện Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang trong quá nghiên cứu, xem xét vấn đề này. Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang làm việc với một số bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ GD-ĐT về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
Quan điểm được nêu rõ là, việc xem xét tiếp tục hay chấm dứt biên chế đối với giáo viên vẫn đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu và phải tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình để không làm xáo trộn, bất ổn trong hệ thống giáo dục nhất là với giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã nêu rõ, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục.
Việc đổi mới cơ chế, theo đó là cần thiết nhưng cũng sẽ được tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình và trước mắt có thể xem xét việc tổ chức thí điểm thực hiện.
* Ông có thể nói rõ hơn quan điểm về một lộ trình hợp lý để không gây ra sự xáo trộn?
- Theo tôi, đối với hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thì có thể thực hiện thí điểm trước và từng bước chuyển dần sang cơ chế hợp đồng đối với các giảng viên, giáo viên. Còn đối với hệ thống giáo dục phổ thông thì cần phải xem xét kỹ càng hơn.
* Nhưng đối với nhiều giáo viên, việc chuyển sang chế độ hợp đồng khiến họ có tâm lý bị trở thành những “người làm thuê”, xin ông chia sẻ về vấn đề này?
- Khi thực hiện chính sách này thì đúng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được pháp luật trao rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng, quyết định về tài chính, nhân sự, điều hành hoạt động thường xuyên của đơn vị. Do đó, đồng thời với việc thực hiện chuyển chế độ viên chức theo hợp đồng làm việc sang chế độ hợp đồng thì phải xem xét, hoàn thiện cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trong hệ thống giáo dục.
Về lâu dài, cần tổng kết thực tiễn để đề xuất sửa đổi Luật Viên chức một cách căn cơ. Vì theo tôi, chính sách phải nhất quán, bình đẳng và tổ chức đồng bộ, chứ không thể riêng lẻ áp dụng cho hệ thống giáo dục và đào tạo; tránh sự chênh lệch trong các đơn vị sự nghiệp công lập giữa các ngành, lĩnh vực với nhau.
Trước hết, để tránh những tác động tiêu cực khi triển khai áp dụng hình thức hợp đồng với giáo viên đó là phải xác định rõ về chủ thể có quyền ký hợp đồng với các giáo viên là ai, cơ quan, tổ chức nào, quy trình thực hiện và cơ chế kiểm soát ra sao? Về cơ chế tiền lương và thu nhập cần đảm bảo nguyên tắc là chỉ có thể tạo ra chế độ tốt hơn chứ không thể làm ảnh hưởng đến thu nhập của người giáo viên.
* Xin cảm ơn ông!
“Trước hết phải khẳng định đây chỉ là quan điểm đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét, dự kiến “sắp tới đây sẽ chấm dứt việc biên chế đối với giáo viên để chuyển sang hợp đồng” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Còn hiện nay, việc này đang được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Luật Viên chức quy định, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Điều này hoàn toàn khác với chế định dành cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định trong Bộ luật lao động, “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập, cần phân biệt rõ viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Viên chức được tuyển dụng căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập, được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển. Còn đối với người lao động, việc tuyển dụng là theo nhu cầu của người sử dụng lao động.
Về tiền lương, lương viên chức thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp. Còn người lao động thì hưởng lương từ quỹ lương của người sử dụng lao động theo thỏa thuận được ghi trong hợp đồng lao động…