
Từ 1-7-2016 đổi mới sát hạch lái xe
Việc kết thúc hầu hết hạng mục chấm điểm thủ công cho các kỳ sát hạch lái xe để chuyển sang chấm tự động bằng máy kể từ ngày 1-7-2016, cả sát hạch lái mô tô lẫn ô tô các loại, được đánh giá là bước đi cần thiết để nâng cao, bảo đảm kỳ thi có kết quả chính xác, loại bỏ yếu tố chủ quan.

Thi thực hành lái ô tô tại một điểm dạy lái xe ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chấm tự động hầu hết các phần thi
Sáng chủ nhật 3-7-2016, hơn 200 học viên tập trung tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi nằm trên địa bàn huyện Củ Chi (TPHCM) để tham dự kỳ thi lấy bằng lái ô tô các loại, trong đó chủ yếu là thi lấy bằng lái B2. Điểm đặc biệt của buổi thi này ở chỗ đây là kỳ thi lấy bằng lái xe đầu tiên trên địa bàn thành phố chuyển sang áp dụng chấm thi hoàn toàn tự động theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ấn định từ thời điểm 1-7-2016, trên cả nước sẽ chuyển sang sát hạch tự động tất cả loại bằng lái xe.
Nói chính xác hơn, các kỳ sát hạch đối với bằng lái ô tô các loại từ bằng dấu B đến bằng dấu E trước thời điểm 1-7-2016 cũng đã chấm thi tự động phần thi lý thuyết và phần thi sa hình, nhưng phần thi đường trường vẫn do giám thị ngồi trên xe chấm trực tiếp, tức chấm thủ công. Sau thời điểm 1-7-2016, đến lượt phần thi đường trường cũng do máy móc chấm để chính thức chuyển sang chấm thi tự động hoàn toàn tất cả các khâu. Cụ thể, từ nay phần thi đường trường yêu cầu mỗi thí sinh phải thực hiện bài thi trên đường với cự ly tối thiểu 2km để đánh giá các kỹ năng cần thiết của người lái ô tô qua giao lộ, qua nơi đông người, kỹ năng tăng giảm số… Theo quy định, thiết bị chấm điểm tự động sẽ chấm điểm hầu hết lỗi của thí sinh, như: Không tắt hoặc không mở đèn signal xin đường, không thắt dây an toàn, đang chạy mà để xe tắt máy… Tuy nhiên, vẫn có một vài lỗi sẽ do giám thị chấm vì máy không chấm được, như lỗi vi phạm luật giao thông (chẳng hạn vượt đèn đỏ, lấn làn đường…); lỗi thuộc về xử lý tình huống có thể gây tai nạn; những lỗi do không tuân theo hiệu lệnh của sát hạch viên…
Tương tự, bằng lái mô tô trước thời điểm 1-7-2016 chỉ có phần lý thuyết thi trên máy tính là được chấm tự động, trong khi bài thi thực hành do giám thị chấm và từ sau mốc thời gian nêu trên, phần thực hành cũng sẽ chuyển sang sát hạch tự động, ngoại trừ vài lỗi máy móc không nhận biết được nên vẫn do giáo viên chấm như lỗi làm đổ xe, lỗi chống chân xuống mặt đường khi đang thực hiện bài thi.
Hướng phát triển tất yếu
Nhận xét về những đợt thi đầu tiên trên địa bàn thành phố chuyển sang áp dụng chấm thi tự động, ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (thuộc Sở GTVT TPHCM), cho rằng do giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thi và cán bộ chấm thi nên ưu điểm lớn nhất của cách sát hạch tự động là nâng cao và đảm bảo tính khách quan, loại trừ yếu tố chủ quan có thể có trong phương thức chấm thủ công. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề giao thông Tiến Bộ, kỳ thi chấm điểm tự động hầu hết phần thi như vậy cũng sẽ đòi hỏi học viên - thí sinh phải chú trọng, dành nhiều thời gian cho phần thực hành khi học lái xe cũng như theo học đầy đủ giáo trình quy định trong khóa học.
Một điểm ghi nhận khác trong tuần lễ đầu tiên áp dụng chấm thi tự động đó là tỷ lệ thi đậu không có nhiều chênh lệch so với khi còn chấm thủ công. Theo ông Võ Trọng Nhân, điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo được các cơ sở dạy lái xe chăm chút, tuân thủ ngay từ đầu chứ không đợi đến khi áp dụng quy định chấm điểm tự động mới thực hiện. Nói cách khác, biến động về đậu - rớt sau khi áp dụng chấm điểm tự động đã không xảy ra và những trường hợp thi rớt chủ yếu do tâm lý không vững. Anh Điền Minh (43 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), người đã tham dự và thi đậu bằng B2 kỳ thi sáng 3-7 tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi nêu trên, kể rằng trước khi thi anh cũng có đôi chút áp lực, nhưng sau đó đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và thực hiện suôn sẻ các bài thi. Trong khi đó, chị Nguyễn Thiện Ánh (33 tuổi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), một thí sinh khác thi đậu bằng B2 cũng tại Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi vào sáng 3-7, nói rằng đối với chị phần thi khó nhất chính là bài thi lên dốc cầu và nếu yếu tâm lý thì chắc chắn sẽ không qua được bài thi này. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Nguyễn Anh Dũng nhận xét rằng hầu hết thí sinh xem bài thi lên dốc cầu là phần thi khó khăn nhất, chủ yếu do yếu tố tâm lý, bởi vì theo quy định, nếu thí sinh để xe tuột dốc khi lên dốc cầu thì sẽ bị loại ngay, trong khi các lỗi khác chỉ bị trừ 5 điểm/lỗi. “Cách tốt nhất và cũng hầu như cách duy nhất để vượt qua yếu tố tâm lý này là học viên - thí sinh phải chăm chút luyện tập thực hành kỹ hơn trong suốt quá trình học lái xe”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
THIỆN NHÂN