Chấm điểm cán bộ qua hiệu quả công việc

Thấm nhuần sâu sắc công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” trong xây dựng Đảng, các cấp ủy, chính quyền các cấp ở TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng trong đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đổi mới toàn diện, đồng bộ

Công tác đánh giá cán bộ của TPHCM đang ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đồng thời, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, trì trệ, không dám làm và không đáp ứng yêu cầu công việc.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga thông tin, để nâng cao chất lượng khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, quận 1 triển khai khảo sát tại ki ốt/máy tính bảng và đánh giá chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có hơn 48.310 lượt đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng máy tính bảng.

Những trường hợp có kết quả đánh giá “Không hài lòng”, quận xem xét cụ thể và nhắc nhở, phê bình hoặc hạ đánh giá thi đua quý. Hàng năm, quận 1 cũng yêu cầu mỗi cá nhân xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch năm dựa trên vị trí, nhiệm vụ được phân công. Cuối năm, cá nhân tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo chương trình đã đăng ký. Đây là cơ sở đánh giá cán bộ và giúp họ nhìn nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

3c-4640.jpg
Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên hội nông dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quận Tân Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và tập thể lãnh đạo, quản lý. Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận Tân Bình Nguyễn Thị Tuyết Lệ Sương cho biết, quận xây dựng quy định về khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, bao gồm các tiêu chí đánh giá chung và các tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng lĩnh vực, nhằm đảm bảo đánh giá sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ.

Quận cũng rà soát cán bộ công tác lâu năm tại một vị trí, một đơn vị; cán bộ có uy tín giảm sút, năng lực hạn chế; chiều hướng phát triển chưa đạt yêu cầu. Những cán bộ này sẽ được đưa vào danh sách thực hiện luân chuyển, bố trí công tác theo nguyện vọng, năng lực và sở trường, tạo điều kiện để họ phát huy đúng sở trường của bản thân.

Sẵn sàng thay thế cán bộ yếu kém

Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường khẳng định, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ và tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhằm cụ thể hóa nghị quyết, quận 10 đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trọng tâm của việc đánh giá cán bộ là rà soát, sửa đổi quy chế làm việc theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Quận kiên quyết xử lý những trường hợp quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền, năng lực, phẩm chất kém.

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp thông tin, năm 2023, quận Bình Tân đã kịp thời biểu dương, quy hoạch, bố trí cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, có kết quả nổi trội trong công tác để động viên, lan tỏa. Cụ thể, quận đề bạt, bổ nhiệm 9 phó chủ tịch UBND phường theo Nghị quyết 98/2023/QH15 và luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 28 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quận cũng mạnh dạn thay thế Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Tân.

Trong kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng, Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 phát hiện một phó phòng “chạy” thành tích. “Phát hiện vi phạm trên, dù vi phạm không lớn nhưng chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm để ngăn chặn từ sớm, từ xa các tiêu cực”, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái chia sẻ. Kết quả, trường hợp này bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cho thôi quận ủy viên và thôi chức phó phòng.

Năm 2023, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý theo hướng công khai, minh bạch. Điển hình, năm qua, Thành ủy TPHCM luân chuyển 9 bí thư cấp ủy. Đến nay, các đồng chí được luân chuyển luôn phát huy trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo toàn diện của đơn vị…

Đồng thời đã điều động, phân công, chỉ định, chuẩn y, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, tham gia ý kiến với các cơ quan Trung ương về công tác cán bộ đối với 238 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý. Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM giới thiệu 4 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và các đồng chí là cán bộ chủ chốt của thành phố tham gia giữ vị trí chủ chốt tại hội hữu nghị các quốc gia quan hệ truyền thống và các quốc gia quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia…), qua đó thể hiện sự quan tâm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác đối ngoại nhân dân.

Thành ủy TPHCM triển khai 2 quy trình khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, hoàn thiện quy trình theo thẩm quyền của TPHCM để có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, đang hoàn thiện cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, ảnh hưởng đến lợi ích chung


* Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ mới

Nhiều năm qua, chúng ta đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ... để phát hiện, lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm, nhất là có bản lĩnh chính trị, có đạo đức, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung và thực sự tiên phong, gương mẫu.

Mỗi lĩnh vực đòi hỏi một loại cán bộ tương xứng và phù hợp. Quá trình tuyển chọn, sử dụng cán bộ phải dân chủ hóa theo hướng công khai hóa từ tiêu chuẩn, yêu cầu đến quy chế chọn tuyển, bao quát tất cả các hình thức tuyển chọn. Đặc biệt, cần cá thể hóa trách nhiệm tất cả từng khâu, từng người trước kỷ luật và pháp luật một cách bình đẳng nhằm khắc phục tình trạng “rũ trách nhiệm”, “cánh hẩu”, kéo bè kéo cánh, lợi ích nhóm.

Về giải pháp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, điều đầu tiên là đổi mới công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; đổi mới mạnh mẽ việc bố trí cán bộ gắn với sắp xếp bộ máy, đổi mới luân chuyển cán bộ trong thế bố trí chiến lược cán bộ; cải cách hệ thống chính sách đối với cán bộ.

Cùng với đó là kiểm soát quyền lực một cách dân chủ và nghiêm ngặt trong công tác cán bộ. Việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm phải nhất quán quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục; thực hiện chặt chẽ với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính để những người khác lấy đó làm gương. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

* Ông DƯƠNG NGỌC HẢI, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM:

Chú trọng tự kiểm tra, giám sát

Năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của TPHCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội gắn với thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đối với các trường hợp thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy... phải được kịp thời kiểm tra làm rõ, xử lý theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát chuyên đề đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên ở những vị trí, cơ quan trọng yếu, những địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Cùng với đó, tập trung kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản thu nhập đối với cán bộ và những người có nghĩa vụ kê khai tài sản theo quy định. Chú trọng tự kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tự kiểm tra, đôn đốc, tự soi tự sửa, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, vi phạm, không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, khó khắc phục.

Tin cùng chuyên mục