Ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan
Nằm bên đường Lã Xuân Oai, cách chợ Nhỏ (phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) không xa, khu nghĩa địa được bao quanh bởi những căn nhà xây kiên cố. Người dân ở đây cho biết, khu nghĩa địa trước cách biệt với khu dân cư. Khoảng 10 năm trở lại, nhà xây dựng lấn dần ra khu nghĩa địa, rồi dần dà người sống ở chung với người chết.
Từ đường Lã Xuân Oai, theo đường 102 vào hướng chùa Phước Tường, có 2 khu nghĩa địa lớn và nhiều khu mộ gia đình nằm lẫn trong vườn nhà. Không riêng phường Tăng Nhơn Phú A mà ở phường Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu, Phước Bình… cũng có nhiều khu nghĩa địa lẫn trong khu dân cư.
Những khu nghĩa địa cũ thiếu người chăm sóc quét dọn đang trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Người dân ở xung quanh nghĩa địa cũ không chỉ sống chung với ô nhiễm, mà cuộc sống tinh thần cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với trẻ em.
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nghĩa địa trước đây vốn tồn tại trong các khu vườn, gò đất xa khu dân cư đã được đẩy ra mặt tiền đường lớn, bên những trung tâm thương mại… gây mất mỹ quan đô thị.
Anh Phan Xuân Thanh, nhà trên đường 27, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, tâm sự: “Đường Phạm Văn Đồng mới mở khang trang, hiện đại bậc nhất thành phố. Vậy mà người đi đường bắt gặp những khu dân cư mới, chung cư cao tầng nằm xen lẫn khu mộ, nhìn quá phản cảm”.
Bên đường song hành Phạm Văn Đồng, nhiều người ở khu phố 6 (phường Hiệp Bình Chánh) cho biết, một số hộ kinh doanh vật liệu đã chiếm dụng khu nghĩa địa làm bãi chứa xà bần. Khu nghĩa địa cũ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn làm xấu đại lộ mới có tiếng đẹp nhất nhì thành phố.
Huy động các nguồn lực xã hội tham gia
Giải tỏa, di dời các khu nghĩa địa ra khỏi khu dân cư được thành phố thực hiện nhiều năm nay. Đã có không ít công trình công ích khang trang, hiện đại xây dựng từ khu đất nghĩa địa, như công viên Lê Văn Tám (quận 3), công viên Lê Thị Riêng (quận 10)… Thành phố cũng đang giải tỏa khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) để xây dựng công viên cây xanh, thương mại và khu đô thị, nhà ở hiện đại.
Một cán bộ phường 14, quận Gò Vấp cho biết, khu hành chính UBND phường 14 hiện nay, vốn là khu nghĩa trang cũ, nhếch nhác vì thiếu người chăm nom. Thực hiện chủ trương di dời nghĩa địa cũ để chỉnh trang đô thị, quận tiến hành di dời, giải tỏa khu nghĩa địa cũ lấy mặt bằng xây dựng trụ sở làm việc.
Cùng với những dự án lớn di dời khu nghĩa địa có quy mô lớn, các quận cũng đã tổ chức di dời, giải tỏa những nghĩa địa nằm xen lẫn trong khu dân cư. Tuy nhiên, số lượng được giải tỏa chưa nhiều và tiến độ chậm. Hầu hết các khu nghĩa địa cũ được giải tỏa, di dời đều nằm trong các dự án phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng giao thông… do Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư. Số nghĩa địa cũ mà người dân chủ động, tự giác di dời vì lý do ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan còn ít.
Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), tiến độ giải tỏa, di dời các khu nghĩa địa ra khỏi khu dân cư chậm, do thiếu quy định về chính sách hỗ trợ di dời và quyền sử dụng đất sau khi giải tỏa.
Theo Điều 24 Quyết định 28 của UBND TPHCM quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM, quy định về đơn giá bồi thường mồ mả chỉ áp dụng trong trường hợp bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, đối với khu nghĩa địa người dân tự giải tỏa, không có quyết định thu hồi thì không được hỗ trợ, đền bù. Nhà nước cũng chưa có quy định hỗ trợ cho việc cải táng. Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ di dời, giải tỏa nghĩa địa cũ, thành phố phải có chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia.
Ngoài ra, Nhà nước cần có quy định, chính sách hỗ trợ đối với người dân tự giác tổ chức táng, giải tỏa di dời. Đồng thời nên tạo thuận lợi, cho phép được chuyển đổi mục đích, sử dụng đất sau khi di dời, nhằm cải tạo môi trường sống trong lành và tái lập mỹ quan đô thị.