Như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhiều lần thông tin, ngày 31-12-2016 là hạn cuối mà các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại khu phố 4 và khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TPHCM) sẽ phải di dời, ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề để trả lại môi trường sống cho người dân. Tuy nhiên, đã gần hết quý 2-2017, vẫn còn nhiều cơ sở tại đây không thực thi.
Điệp khúc vốn ít
Ghi nhận thực tế tại 2 khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dệt nhuộm vẫn hoạt động bình thường. Nguyên liệu củi đốt chất đầy đường, khói xả và mùi hôi vẫn tỏa nồng nặc ra khu dân cư. Vào những ngày có mưa, các con hẻm ở đây trở nên lầy lội, đầy “ổ voi, ổ gà” khó đi hơn bao giờ hết. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi thật sự khó chịu trước mùi hôi kinh khủng phát ra từ các cơ sở dệt nhuộm, kèm với đó là bụi bồ hóng, khói xả nghi ngút... khiến luôn có cảm giác buồn ói, quần áo bị phủ lớp đen hôi hám. Đi qua Công ty Dệt nhuộm Việt Phát (ở đường T1 phường Đông Hưng Thuận), vẫn thấy công ty hoạt động rầm rộ, máy nổ kêu inh ỏi; dầu nhớt, nước thải xả ra đường rất nhiều, mùi hôi của dệt nhuộm phát ra nồng nặc. Sát bên công ty này là cơ sở dệt khác cũng chất đống khá nhiều than đá, củi để phục vụ cho việc đốt lò.
Người dân nơi đây cho biết, thời gian qua có thấy một số cơ sở đã di dời nên rất vui mừng, nhưng không hiểu sao, việc di dời lại không triệt để, hiện còn một số cơ sở vẫn nhập nguyên liệu về sản xuất bình thường. Hoạt động sản xuất của các cơ sở vẫn thải khói bụi, mùi hôi gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân ở đây. Ngày hè, nhiều gia đình có con nhỏ phải dẫn đi gửi vì sợ các cháu hít phải khí độc.
Theo UBND quận 12, các cơ sở ở đây khi trao đổi với quận đều nói rằng, về chỗ mới tất cả chi phí đều tăng, trong khi nguồn lực tài chính của họ vô cùng eo hẹp. Để xây dựng cơ sở sản xuất mới phải thuê hoặc mua quỹ đất rộng để đầu tư lại nhà xưởng và máy móc, trong khi vốn để làm điều này quá sức với các cơ sở, doanh nghiệp. Năng lực tài chính hạn chế nên cũng không đầu tư thay đổi công nghệ sạch; công nghệ xử lý nước thải, chất thải tại nơi di chuyển đến.
Thêm vấn đề nữa được các cơ sở biện minh cho việc chây ì di dời là muốn dựa vào lợi thế vị trí hiện tại để thuận tiện đi lại và sinh hoạt.
Tính đến hết tháng 3-2017, có 16/21 cơ sở thực hiện việc ngưng hoạt động hoặc di dời đi nơi khác. Cụ thể, có 2 cơ sở chuyển đổi ngành nghề; 13 cơ sở di dời máy móc thiết bị sản xuất đi nơi khác và 1 cơ sở ngưng hoạt động nhưng chưa di dời máy móc thiết bị. Vẫn còn 5 cơ sở đang hoạt động sản xuất tại vị trí cũ.
Chính quyền quyết liệt, doanh nghiệp thờ ơ
Được biết, UBND TPHCM đã giao các sở ban ngành, UBND huyện Bình Chánh và quận 12 tiếp tục hỗ trợ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG triển khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng ở Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân 3 để sớm tiếp nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4 và 5 ở phường Đông Hưng Thuận di chuyển đến. Trao đổi về vấn đề này, ông Trường Khôi, Phó giám đốc KCN Lê Minh Xuân 3, cho biết: “Hiện KCN này đã hoàn tất 90% về cơ sở hạ tầng, điện nước, giải phóng mặt bằng để hỗ trợ các doanh nghiệp di dời vào KCN. Đến cuối tháng 7-2017, KCN sẽ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung để phục vụ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động. Tính đến nay đã có 15 doanh nghiệp đăng ký di dời vào KCN và 4 doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng để chuẩn bị sản xuất. KCN Lê Minh Xuân 3 ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, chú trọng đến 4 ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố là điện - điện tử - tin học, thực phẩm, cơ khí và hóa dược”. Cũng theo ông Khôi, mặc dù VRG đã chuẩn bị khá đầy đủ nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở thuộc diện di dời vẫn chậm thực hiện nên số vào KCN vẫn còn ít.
Thành phố đang rất quyết liệt trong việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Cụ thể, thành phố đã có nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch di dời như tìm quỹ đất mở rộng KCN cho các cơ sở vào xây dựng cơ sở sản xuất, cho thuê mặt bằng với giá ưu đãi, vay vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất... nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện việc di dời. Song đến nay vẫn còn rất nhiều cơ sở không chịu di dời. Đại diện UBND quận 12 cho biết, toàn quận hiện đang có 540.000 dân cư. Tình hình các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm xen cài trong khu dân cư diễn biến rất phức tạp. Quận đã thực hiện chủ trương của thành phố thống kê danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời. Tuy nhiên, thực tế thống kê đã xong nhưng di dời thì rất khó thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12, không chỉ riêng những cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận mà nhiều cơ sở gây ô nhiễm khác trên địa bàn quận vẫn chưa thể di dời xong.
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, không chỉ riêng những cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận mà nhiều cơ sở gây ô nhiễm khác trên địa bàn quận vẫn chưa thể di dời xong. Các cơ sở sản xuất nói chung thường viện dẫn nhiều lý do như vốn ít, quy mô nhỏ nên không có điều kiện di dời. Quận đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện cưỡng chế di dời như cúp điện, cúp nước… nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời là không có căn cứ để thực hiện những biện pháp chế tài trên. Do vậy, để có thể thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, thành phố cần tính đến những giải pháp chế tài mạnh tay hơn, thay vì chỉ tập trung vào chính sách tài chính hỗ trợ vốn, quỹ đất và thuế cho doanh nghiệp. Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.