Chất thải nào cũng thành rác chôn lấp
Phân tích từ góc độ DN sản xuất sản phẩm nhựa cho thấy, các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đưa ra rào cản kỹ thuật là buộc sản phẩm nhựa muốn vào những nước này phải có tỷ lệ nhựa tái chế chiếm 2%/tổng lượng nguyên liệu nhựa sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó. Thế nhưng trong nước, nhựa phế liệu tuy có nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Số ít thu gom được từ hoạt động ve chai nhưng không đáng kể.
Mặt khác, ngành công nghiệp tái chế chất thải trong nước chưa được đầu tư đúng cách nên chất lượng nhựa tái chế cũng chỉ để phục vụ những nhu cầu sản xuất sản phẩm thấp cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu. Đây cũng là nguyên nhân mà thời gian qua, các DN sản xuất buộc phải nhập khẩu nhựa phế liệu về để sản xuất.
Tương tự, với chất thải công nghiệp, nguy hại và xây dựng đều có khả năng tái chế thành nguyên liệu sản xuất. Theo Bộ TN-MT, riêng Hà Nội và TPHCM hàng ngày có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó, 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. Song số lượng rác được thu gom về chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng.
Lý giải thực tế này, các chuyên gia môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Một là do việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; hai là chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để DN mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Cụ thể, tại TPHCM và Hà Nội - 2 địa phương có lượng rác thải lớn nhất cả nước, nhiều chương trình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn đã được triển khai. Thế nhưng, cho đến nay hiệu quả thực hiện vẫn rất thấp. Hầu hết lượng rác thải đều được trộn lẫn và xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Riêng tại TPHCM, từ năm 2016, thành phố đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế thì việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao.
Mở cửa chính sách đầu tư
Đại diện Sở TN-MT TPHCM khẳng định, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da, băng tã… được tách riêng để đốt.
Như vậy, để việc đốt chất thải rắn đạt được hiệu quả về kinh tế, cần phải thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn, đặc biệt là phân loại tại nguồn. Bên cạnh đó với lượng chất thải rắn hữu cơ có độ ẩm cao lớn cùng với một lượng đáng kể các chất vô cơ không đốt được lẫn trong thành phần chất thải rắn, cần phải quy hoạch các công nghệ xử lý đa dạng, phù hợp để xử lý từng loại chất thải rắn khác nhau.
Ở góc độ khác, nhiều DN cho rằng việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó. Rào cản gặp phải hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này. Hiện các địa phương đều từ chối cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải. Số ít DN hoạt động trên địa bàn TPHCM do Sở TN-MT, Bộ TN-MT cấp phép nhưng phải hoạt động với quy mô rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở tái chế chất thải lại hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Các cơ sở trên cũng chưa có thực lực tài chính đủ để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế. Mặt khác, cũng đang vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường Entec, tiềm năng phát triển ngành tái chế chất thải tại Việt Nam là rất lớn. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt đông phân loại rác tại nguồn, xác định và minh bạch quỹ đất hỗ trợ đầu tư, đơn giá xử lý đối với từng loại chất thải. Không dừng lại đó, những chính sách ưu đãi đầu tư từ phía Chính phủ, bộ ngành liên quan phải được các địa phương triệt để triển khai, kết hợp thắt chặt công tác hậu kiểm. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều của DN với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý.