Chăm con khi ốm - Thử thách của bố mẹ


Khi con còn bé, đặc biệt là khi cháu từ 1 đến 3 tuổi luôn là thời kỳ khó khăn nhất của các bậc phụ huynh. Về tâm lý, đó là thời gian bé bắt đầu có những sự thay đổi, trở nên khó chịu, giở chứng. 
Chăm con cần sự chia sẻ của người chồng
Chăm con cần sự chia sẻ của người chồng

Về thể chất, đây cũng là thời kỳ bé bắt đầu mất đi bảo hộ từ sự đề kháng có trong sữa mẹ trong khi cơ chế miễn dịch lại chưa hoàn thiện nên dễ bị các bệnh thông thường. Đó cũng là khoảng thời gian thử thách cho các cặp vợ chồng khi phải đối diện với những khó khăn của con.

Mỗi nhà một cảnh

Trời mưa gió, con lăn ra bị cảm, đau họng, thời tiết bình thường, con bỗng bị sốt, bỏ ăn. Đang khỏe mạnh, đi học gặp bạn bị bệnh, con bị lây. Hay, bỗng dưng có hôm ăn trúng món lạ, bụng con đau nhói… Thật vậy, trẻ em với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thường dễ mắc phải các bệnh từ nhẹ đến nặng. Những lúc như thế, mỗi ông bố, bà mẹ sẽ có những giải pháp riêng để chăm sóc con nhưng đều gặp nhau ở một điểm là nỗi lo lắng khôn xiết cho bé con của mình.

Nhớ lại những ngày đầu chăm bé Na, chị T.B (quận 5, TPHCM) vẫn còn thấy sợ, chia sẻ: “Lúc mới đẻ, bé Na rất hay ốm vặt. Giai đoạn khổ nhất là những lúc bé chưa biết nói, chỉ khóc nên làm cả nhà cứ náo loạn hết cả lên”. Chị T.L, (quận 1, TPHCM) có hai con, đứa lớn đã 7 tuổi, đứa nhỏ mới 4 tuổi, dù có kinh nghiệm nhưng khi đứa thứ hai ốm, chị vẫn phải trải qua những khó khăn như ngày nuôi đứa đầu: “Những lúc con sốt cao hay trớ sữa liên tục, kinh nghiệm với đứa trước, tôi luôn dặn lòng phải bình tĩnh xử lý, không nên căng thẳng quá. Nhưng nghĩ là một chuyện, đến khi con sặc sữa và bị ngạt, tôi lại nghĩ đến một chị bạn có con bị ngạt sữa, do không đưa bé đến bệnh viện kịp nên làm tổn thương đến não. Tôi sợ quá lại cuống cả lên, lúc đó vừa lo con vừa mắng chồng, chẳng còn nhớ phải làm gì cả”. Nhiều bà mẹ nhắc đến chuyện con ốm như một kỷ niệm riêng của mình, có chị tâm sự: “Những khi con lên cơn sốt cao, ôm con vào lòng và chỉ ước gì cơn sốt có thể truyền hết sang mình. Lúc ấy tôi thật sự chẳng thiết tha gì khác và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để mong con mau khỏe lại.”

Chuyện con ốm còn là một thử thách lớn cho hạnh phúc gia đình. Chị H.P, ngụ tại quận Gò Vấp, tâm sự, con gái anh chị năm đó 6 tuổi, cháu rất ngoan ngoãn và lanh lợi, chỉ có điều rất biếng ăn, dù đã đi học lớp 1 nhưng chuyện ăn uống vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là chưa ăn được nhiều cơm, từ nhỏ đến lớn chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, nhưng mỗi lần uống vào cháu đều nôn trớ ra hết, khiến gia đình chị lao đao vô cùng. Vợ chồng anh chị đưa con đi khám nhiều nơi, nhưng vẫn không có cách chữa trị vì theo bác sĩ cháu thuộc dạng dạ dày thẳng, nên thức ăn vào thường không dung nạp được. Từ lúc sinh tới bây giờ cháu chỉ có thể uống sữa hoặc ăn cháo loãng, hai vợ chồng đã cố tập cho cháu ăn cơm, nhưng cháu không nuốt được vì đau ở cổ họng.

Chính vì thế, cứ đến bữa ăn là nhà thành như cái chợ, mỗi lần đến bữa ăn là mẹ con lại vật lộn cả mấy tiếng đồng hồ mới xong cốc sữa, chén cháo. Xót con và cũng bực mình, nói nhẹ nhàng cháu không nghe nên nhiều lúc chị phải quát mắng, la hét để cháu ăn nhưng càng nói cháu lại khóc, thế là bao nhiêu thứ vừa ăn lại trào ra hết. Chồng chị thấy thế cũng thương con, mắng chị là phải nhẹ nhàng với con, nhưng anh đâu hiểu là chị cũng đâu có muốn thế. Cứ thế, mỗi lần cho con ăn là hai vợ chồng lại cãi lộn với nhau, vì thế vợ chồng lúc nào cũng gắt gỏng, giận dữ, nhà cửa căng thẳng; tình cảm vợ chồng cứ thế sứt mẻ dần đi, gia đình chẳng mấy khi được yên ổn.

Thương con thương cả gia đình

Cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt đẹp, không chỉ có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, những khi chăm con ốm, các mẹ còn cảm nhận tình mẫu tử thật rõ rệt. “Khi con ốm, nhà cửa vắng lặng, không nghe tiếng tíu tít của con như thường lệ, mình vừa xót, vừa thương con. Khi đó, mình chỉ muốn con khỏe lại, mọi thứ khác trên đời này trở nên không còn quan trọng nữa”. Đó là nỗi lòng chung của rất nhiều bà mẹ được blogger là mẹ chia sẻ trên mạng.

Và những lúc khó khăn đó, hơn ai hết, người có thể chia sẻ những phút giây khó khăn này chính là người bạn đời - cha của bé. Thực tế, dù xã hội đã có nhiều thay đổi, cởi mở hơn nhưng qua một khảo sát xã hội gần đây cho thấy, nam giới Việt vẫn còn tỷ lệ không nhỏ cho rằng sinh con và nuôi con là nhiệm vụ của phụ nữ. Và khi con ốm, người cha chỉ ghé qua hỏi han một chút rồi lại bắt đầu công việc thường nhật trong khi mẹ sẵn sàng bỏ tất cả công việc để ở nhà chăm con. Thực ra, không phải họ không thương con mà nhiều người đàn ông cho rằng con ốm mẹ lo là đủ, còn bố sẽ lo những chuyện bên ngoài như kiếm tiền trang trải chi phí, tìm mối quan hệ để gửi gắm… 

Dĩ nhiên, những việc đó cũng rất quan trọng nhưng bên cạnh đó người vợ, người mẹ cũng cần lắm sự sẻ chia, sát cánh của chồng để không chỉ giúp chăm sóc con khỏe hơn mà còn xua tan đi nỗi lo lắng và nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Chính vì vậy, ngay tại các bệnh viện cho trẻ em, nếu xác định bé phải chăm sóc lâu ngày, các bác sĩ, chuyên gia tư vấn đều khuyên người mẹ nên thảo luận với chồng để có thể thay phiên nhau cùng chăm con để người mẹ không bị kiệt sức và công việc không bị ảnh hưởng. Và quan trọng hơn nữa là nhờ đó, cả gia đình có thể sát cánh bên nhau, cùng nhau chia sẻ để có thể vượt qua được những lúc khó khăn, gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc của gia đình.

Tin cùng chuyên mục