Dao hai lưỡi ở hội chợ?
Khi nhắc đến các thị trường tiềm năng mới cho ngành gỗ Việt Nam, bà Trần Như Trang, đại diện chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), nhắc ngay đến Trung Đông, Ấn Độ, Canada, Australia và khu vực ASEAN. Trong đó, bà nhấn mạnh đến tiềm năng tăng trưởng của thị trường mới Trung Đông và cách tiếp cận khách hàng thông qua các hội chợ, triển lãm...
Bà Trang cũng lưu ý các DN cần thận trọng trong thanh toán nhằm tránh rủi ro xảy ra. Theo đó, DN phải tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin về đối tác mình sẽ giao kết.
Bởi thực tế, tính đến cuối tháng 7 đã có 4 DN ngành tiêu, điều và cây gia vị Việt Nam nghi bị lừa đảo khi giao dịch với cùng một đối tác tại Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE). Thông tin về tình hình xử lý vụ việc ngày 9-8, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết đến nay 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều đã được bên mua lấy ra khỏi cảng, trong khi bên bán là các DN Việt Nam chưa được nhận thanh toán. Còn 1 lô hàng hoa hồi được giữ tại cảng ở Dubai.
Đáng lưu ý, các DN xuất khẩu Việt Nam này đã gặp đối tác tại hội chợ thực phẩm lớn, thường niên ở Dubai, nơi thu hút rất nhiều nhà mua hàng lớn trên toàn thế giới. Chiêu thức của bên lừa đảo là ký hợp đồng ngay tại hội chợ này vào tháng 2, giao hàng thành công vào tháng 4. Và đến lô hàng thứ 2 giao tháng 6 thì gặp sự cố.
Tiềm năng xuất khẩu của ngành gỗ sang thị trường Trung Đông rất lớn nhưng các DN cần thận trọng trong thanh toán nhằm tránh rủi ro |
Theo phân tích, một trong những nguyên nhân khiến DN rơi vào hoàn cảnh này, là người mua đã đánh vào tâm lý cần đơn hàng của DN Việt Nam. Từ đó, những thủ tục cần kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ đã dễ dàng bị bỏ qua do DN Việt cần bán hàng. Cũng có thể khi tham gia hội chợ, DN có tâm lý tin tưởng độ “uy tín” của các đối tác, nhất là khi đã có lô hàng chốt đơn nhanh, xuất thành công, nên đã thiếu thận trọng trong việc kiểm tra thông tin. Đây cũng là kinh nghiệm cho các DN khác trong việc tìm kiếm đối tác mới ở các hội chợ, triển lãm.
Song qua vụ việc trên cho thấy năng lực tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác của nhiều DN Việt còn yếu, năng lực pháp lý trong giao dịch chưa vững vàng. Bởi đây không phải vụ việc đầu tiên. Nếu chỉ tính trong ngành điều đây đã là vụ thứ 3 sau vụ 100 container hạt điều bị nghi lừa đảo ở Italia và vụ 5 container điều xuất sang Algeria.
Còn nếu tính chung, theo khảo sát của Công ty kiểm toán PwC Việt Nam, 52% DN Việt Nam cho biết đã từng bị lừa đảo quốc tế. Mới đây nhất, thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhận được phản hồi của một số DN về khó khăn trong giao dịch với đối tác Ấn Độ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có sự thiếu hiểu biết về đối tác, điều khoản hợp đồng, điều khoản thanh toán.
Để chủ động trong giao thương, DN Việt Nam cần tăng cường năng lực tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác và năng lực pháp lý.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu, DN nên sử dụng dịch vụ tư vấn, pháp lý và coi các công ty tư vấn, công ty luật là người đồng hành trong quá trình kinh doanh, không chỉ khi xảy ra tranh chấp.
Các công ty này sẽ giúp DN tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm trong đó. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp họ sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt DN để xử lý.
Cơ hội từ chuyển đổi xanh
Một trong những “luật chơi” mới các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang đòi hỏi cấp thiết, là tính bền vững trong sản phẩm. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu DN muốn tham gia thị trường. Bài học rõ nhất là sự chuẩn bị của ngành dệt may Bangladesh. Các DN ở quốc gia này bắt đầu hành trình xanh từ năm 2014, đã giúp ngành dệt may Bangladesh gây bất ngờ cho những ai đang theo dõi quá trình chuyển đổi kinh tế xanh. Và điều này cũng khiến dệt may Việt Nam bị hụt hơi, mất lượng lớn đơn hàng.
Chia sẻ vấn đề này với các DN xuất khẩu, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu (GIBC), thông tin thêm ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, DN Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10-2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết không chỉ châu Âu mà nhiều quốc gia nhập khẩu lớn, sắp tới sẽ có thêm những quy định về tính bền vững, tính xanh trong sản phẩm. DN nên tìm hiểu các thông tin thị trường này để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình. Bởi có thực tế, hiện không ít DN còn thờ ơ với việc kiểm kê khí nhà kính. Cụ thể, trong 1.912 DN Việt Nam bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải, có 62 DN thuộc ngành gỗ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là rất nhiều DN không hề biết biết mình nằm trong danh sách này.
“Kiểm kê khí nhà kính là việc đầu tiên DN phải làm để biết mình ở đâu và tới đây mình phải cải thiện như thế nào. Vì thế, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm thị trường, đơn hàng ở bên ngoài, việc quay trở lại với bài toán xanh cũng là hành trình chúng ta không thể bỏ qua được” - bà Thủy chia sẻ.
Cùng với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng sẽ là mối quan tâm lớn của các nhà nhập khẩu. Bởi trong xu hướng tiêu dùng mới, người tiêu dùng sẽ chọn hàng tái chế, tiêu dùng bền vững. Theo Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), đến năm 2030 lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4.500 tỷ USD và góp phần thực hiện 10/17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Tất cả là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn nếu DN Việt Nam không chuyển động ngay từ bây giờ.