Tâm huyết của những cô giáo về hưu
3 năm qua, cô Hiền cùng các cô Trần Thị Bích Ngà (69 tuổi), Huỳnh Thị Minh Lý (59 tuổi), Nguyễn Thị Anh Đào (57 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Diệp (59 tuổi), Tạ Thị Hoàng Khanh (59 tuổi)… là những giáo viên dạy học ở một số trường tại TPHCM đã nghỉ hưu và nhiều bạn trẻ tâm huyết cùng nhau đi đến hơn 61 huyện của 18 tỉnh thành trên cả nước mang sách đến cho học sinh vùng xa. Dự án đã trao 258.390 quyển sách cho 984 trường học khó khăn, tổng số tiền huy động cho dự án gần 6 tỷ đồng. Mỗi trường dự án tới sẽ được trang bị hàng trăm đầu sách, với nhiều chủ đề thiết thực như sách kỹ năng sống, cách hành xử tử tế, đạo đức, các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới…
Chia sẻ về cách vận động cho nguồn sách, cô Hiền cho biết: “Dự án kết nối với các nhóm từ thiện, các công ty, đơn vị, mạnh thường quân. Chúng tôi cũng kết nối với các nhóm cựu học sinh các Trường THPT Lê Hồng Phong, Trường Quốc Học - Huế và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các bạn. Ngoài ra, dự án tích cực kết nối với các trường ở TPHCM như: THPT Lê Hồng Phong, THPT Ernst Thälmann, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Gia Định, Trường Trung học thực hành Sài Gòn… để cùng thực hiện công trình thanh niên về sách. Sau mỗi chuyến đi, kinh phí được chúng tôi tổng kết công khai trên trang Facebook để mọi người theo dõi”.
Vun đắp văn hóa đọc
Ngoài trao tặng sách, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc, tạo thói quen đọc cho các em học sinh, dự án cũng hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng khả năng tìm tòi, sáng tạo của các em. Để thực sự mang đến hiệu quả thiết thực trong việc đọc sách, dự án đặc biệt chú trọng tới việc chọn sách và tạo sân chơi để các em thể hiện sau khi đọc xong mỗi cuốn sách. Các em sẽ viết bài cảm tưởng gửi về cho chương trình.
Cô Hiền cho biết dự án còn tổ chức hội thảo về vai trò của sách và tập huấn phương pháp đọc sách đến với học sinh tiểu học, tập hướng dẫn cặn kẽ cho các giáo viên cách thức để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học trò, hướng các em tìm kiếm những điều hay từ sách. Có lẽ vì điều này nên dự án đến nơi nào, học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều hào hứng đón nhận. Dự án đi đến đâu thầy cô ở đó trở thành thành viên tích cực của dự án. Thầy Trần Viết Lộc (công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Thầy cô các trường ở đây thực sự thấy chương trình tập huấn ý nghĩa. Dự án là một hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho học sinh, phát huy vai trò của thư viện, nâng cao chất lượng dạy và học”.
Trong 3 năm qua, dự án “Sách hay dành cho học sinh tiểu học” cũng đã kết nối với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tại TPHCM, đưa sách về vùng xa, vùng cao trên cả nước, góp phần hình thành thói quen đọc sách của các em từ tuổi tiểu học. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết: “Hội đã đồng hành với dự án vì cùng chung mục tiêu vận động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Chúng tôi đã kết nối các doanh nghiệp, vận động ủng hộ tài trợ hàng tỷ đồng để mua sách hay tặng cho học sinh. Dự án sách hay cho học sinh tiểu học rất thiết thực và hiệu quả, không chỉ có nội dung bổ ích mà còn có hình thức đẹp, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu của học sinh”.