Quỹ đất trống trên địa bàn TPHCM hầu như không còn nhiều. Ở chiều ngược lại, có thể thấy tốc độ triển khai các khu cây xanh tập trung quy mô lớn còn rất chậm so với tốc độ gia tăng dân số.
Từ sau năm 2000 đến nay, tại nội thành TPHCM, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn còn khá hạn chế. Thành phố chỉ phát triển thêm Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) giai đoạn 1 và 2, với khoảng 21ha và Công viên 23-9 (quận 1), khoảng 9ha. Trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì nhiều diện tích công viên cây xanh trên địa bàn thành phố lại bị sử dụng không đúng công năng, làm điểm kinh doanh, giữ xe, sân khấu…
Theo Sở GTVT TPHCM, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố hiện đạt mức bình quân 1,6m2/người, chỉ bằng 1/10 so với tiêu chuẩn chung của một đô thị hiện đại, văn minh. Con số này cũng còn thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt (6,3m2/người) theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025.
Qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, các khu công viên cây xanh công cộng của thành phố được quy hoạch nhưng chưa thực hiện. Hầu hết là những khu đất trống rậm rạp, ẩm thấp, ao hồ… không thể tiếp cận sử dụng, hoặc đất trống xen cài với các công trình xây dựng (như nhà ở xây dựng không phép, nhà xưởng, bến bãi cần phải di dời, đất hành lang ven sông, kênh rạch), thuộc quyền sử dụng của người dân hoặc các tổ chức kinh doanh. Chỉ một số ít là đất công thuộc quyền sử dụng của Nhà nước.
Trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện và quản lý khai thác quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng tập trung quy mô lớn đều trông chờ vào nguồn ngân sách của thành phố. Song, thành phố đang cần dành ngân sách cho các nhu cầu cấp bách hơn như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, hạ tầng xã hội thiết yếu.
Một thực tế là cùng với sự thiếu hụt công viên trầm trọng, thì quy hoạch cây xanh đã trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của người dân có đất bị quy hoạch, vì họ không được cấp phép xây dựng bất cứ công trình nào và bán cũng không ai mua. Thành phố chưa có kế hoạch đền bù để triển khai thực hiện dự án công viên cây xanh, nhiều khu đất người dân phải chờ đợi đến nay đã gần 20 năm, kể từ lúc chính thức quy hoạch.
Trong tình hình hiện nay, TPHCM đang cần rất nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết các vấn nạn kẹt xe, ngập nước kinh niên. Và rõ ràng, thành phố cũng thiếu vốn để thực hiện các quy hoạch công viên cây xanh tập trung. Lúc này, cần có một giải pháp thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư, quản lý, khai thác công viên cây xanh một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, ngoài các công trình hạ tầng cứng mang tính trọng điểm như đường giao thông, trường học, bệnh viện, TPHCM cũng phải chú ý phát triển các công trình mềm như môi trường, mảng xanh, không gian đi bộ.
Điều cấp thiết, thành phố phải yêu cầu di dời các công trình dân dụng, trả lại đất công viên; lập quy hoạch chung và mang tính định hướng lâu dài về mảng không gian xanh cho đô thị, tạo nền tảng phát triển bền vững.