Ngày 8-8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10, lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 1-7-2011 đến ngày 31-12-2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ ngày 1-1-2013 đến ngày 31-8-2017) (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 và Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 có quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thiên nhiên.
Đây là 2 vấn đề rất mới, được quy định lần đầu tiên trong 2 đạo luật này nhằm tăng cường thực hiện quản lý Nhà nước đối với khoáng sản và tài nguyên nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản và tài nguyên nước; hài hòa lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân, bảo đảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm lợi ích nhân dân.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện 2 luật này, việc ban hành nghị định hướng dẫn kèm theo chậm. Cụ thể, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định 203) có hiệu lực từ ngày 20-1-2014, chậm 2 năm 7 tháng; Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định 82) có hiệu lực từ ngày 1-9-2017, chậm 4 năm 8 tháng. Sự chậm trễ này tạo khoảng trống trong thực thi pháp luật.
Đáng lưu ý, Nghị định 203 lại có quy định hồi tố, yêu cầu tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, trong khi Nghị định 82 lại không đưa ra quy định như vậy.
Được yêu cầu giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước là quy định rất mới, phức tạp. Do đó, Chính phủ mất nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định mới. Thêm vào đó, các giấy phép khai thác khoáng sản được cấp trong nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khác nhau nên cần thời gian để rà soát, đánh giá để nghiên cứu, hoàn thiện nội dung quy định hướng dẫn thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi của nghị định.
Ngoài ra, nhận thức về vấn đề thẩm quyền quyết định việc không truy thu tiền cấp quyền khai tác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định và thẩm tra đã không đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trước khi Nghị định 82 ban hành. Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra xin được nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm ban hành Nghị định 82.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, thực hiện Nghị định 203, từ ngày 1-1-2014 đến 30-6-2019, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là hơn 49.400 tỷ đồng. Trong đó, đã thu về cho ngân sách là hơn 23.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm thu tiền này đạt hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 1/3 số thu từ thuế tài nguyên.
Trong đó, hơn 2.900 tỷ đồng là tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng khoáng sản giai đoạn từ 1-7-2011 đến ngày 31-12-2013 của 3.951 giấy phép cấp trước khi Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định 203 có hiệu lực nhưng chưa tạm thu. Đối với Nghị định 82, theo tính toán sơ bộ, nếu truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành (1-1-2013) đến ngày nghị định có hiệu lực thi hành (1-9-2017) có thể thu thêm được 2.112 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, việc truy thu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế trong việc xử lý nghĩa vụ thuế sau này, bởi doanh nghiệp đều đã thực hiện quyết toán xong. Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng, trước hết, cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh, việc Chính phủ lấy lý do vì việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước là vấn đề mới, cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động khiến nghị định ban hành chậm là không thuyết phục.
“Trong 10 hay 12 chữ vàng của Chính phủ luôn có chữ “kỷ cương”. Vậy nhưng qua việc này thì thấy Chính phủ đã không thực hiện đúng luật”, ông Sinh thẳng thắn bình luận.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc chia sẻ quan điểm này và đề nghị siết chặt kỷ luật lập pháp và lập quy. Chính phủ chỉ trình Quốc hội xem xét thông qua luật khi có dự thảo nghị định kèm theo.
Về việc truy thu hay không đối với khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (tính sơ bộ hơn 5.000 tỷ đồng) một số đại biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ, vì cho rằng đây là việc khó và có thể làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh.
Song, nhiều đại biểu khác lại cho rằng vẫn cần phải thu và có thể vẫn thu được, vì Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh đều có số liệu đầy đủ về giấy phép khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước cũng được đưa vào dự toán của ngành thuế…
Trong bối cảnh các đại biểu vẫn chia làm hai luồng ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cân nhắc để thể hiện chính kiến của Ủy ban.