Sắp xếp công việc riêng, dù mùa mưa chưa hết hẳn, chị Phương đã kêu thợ đến sửa lại cho cái bếp nhỏ được sạch sẽ, an toàn. Trong lúc thợ lợp lại phần mái tôn đã mục, thay mấy miếng ván gỗ che xung quanh chái bếp, chị Phương đứng trông chừng, xem chỗ nào chưa hợp ý thì trao đổi để công việc sửa chữa nhanh chóng được hoàn thiện.
Bé Phúc, con chị Phương, say sưa xem phim hoạt hình ở nhà trên, thi thoảng cậu nhỏ chạy vội ra nhà sau “trông” mẹ. Bé con đứng xa, quan sát chú thợ thoăn thoắt đôi tay lành nghề sửa chữa cái bếp của bà ngoại. Sau vài lần tới lui, ngó nghiêng toàn cảnh, Phúc liếng thoắng nói: “Mẹ ơi, cái bếp bị đen thui rồi, sao mẹ không bỏ luôn đi mà sửa lại làm gì. Con chỉ thích cái bếp mới sạch đẹp như ở nhà mình thôi”.
Nghe con trai ngây thơ hỏi, chị Phương mỉm cười đáp: “Mẹ không làm cái bếp mới. Chái bếp này là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp một thời thơ ấu của mẹ, cậu và dì Út. Cả nhà thường hay ăn cơm ở bộ bàn ghế gỗ này nè. Ông ngoại, bà ngoại nấu cơm và làm đồ ăn thì ngon hết chỗ chê. Vậy nên, mẹ chỉ muốn sửa lại đôi chỗ bị hư, làm bếp sạch sẽ lại, để bà ngoại của con có chỗ nấu ăn đàng hoàng, không bị nắng mưa nữa”.
Nhóc Phúc nghe lời mẹ nói, đầu gật gù như ông cụ. Được một lát, bé lại lật đật chạy lên nhà trên xem phim hoạt hình.
Giải thích cho con về gian bếp nhỏ mà lòng chị Phương lắng lại. Từ ngày ba chị mất, mẹ chị vẫn ngày hai bữa nấu cơm, canh cúng ông và tự ăn một mình. Con cháu đứa nào cũng lập nghiệp ở xa, mấy khi về nhà ăn bữa cơm sum vầy. Vậy mà, chẳng bao giờ nghe mẹ than thở, hay yêu cầu con cháu “về với mẹ lúc tuổi già”.
Chị từng đọc đâu đó trong một cuốn sách viết về nếp nhà người miền Tây, trong đó tác giả viết và tả rất đủ đầy về cái chái bếp thân thương của từng gia đình người miền Tây Nam bộ. Đó là căn nhà nhỏ nằm sau hè, liền kề với nhà ở chính, nơi được các bà, các dì, các mẹ sử dụng nấu ăn, đun nước. Nơi có cái tủ gạc-măng-rê trữ đồ ăn, để được mấy cái tô, chén, muỗng, đũa, cùng vài ba cái rổ rá xếp gọn trên nóc. Cái bếp thường được đắp bằng đất, kê bằng gạch, có khi xây bằng xi măng, chủ yếu nấu bằng củi, có khi nấu bằng trấu hoặc rơm... Gian bếp ấm cúng thể hiện niềm hạnh phúc của từng gia đình qua những bữa làm cơm, chế biến món ăn dân dã hay nấu giỗ quải…
Trong chái bếp nhỏ ấy, bao ký ức đẹp của từng cuộc đời con người cứ thế được gìn giữ và tỏa ra năng lượng yêu thương tích cực, giúp thắp sáng mạnh mẽ hơn ngọn lửa tình yêu của mỗi gia đình ở quê hương miền Tây dấu yêu.
Bà Tư đi từ ngoài vườn vào, nói với chị Phương: “Dạo này trời nhiều gió, con nói chú thợ sửa giúp cái bản lề cửa sổ để đóng chặt hơn. Rồi, bây coi thêm nước vô mấy cái chén dưới chân gạc-măng-rê, đổ lấp xấp để kiến nó không bò lên đồ ăn nghen...”. Ở tuổi 60, bà Tư vẫn rất nhanh nhẹn, mạnh khỏe. Bà mới đi vườn về, bên hông ôm hờ cái rổ tre chất đầy rau tươi mơn mởn mới hái.
Nay, biết cái chái bếp sẽ được con Hai nó về sửa sang, nên từ sớm tinh mơ, bà đã dậy để làm món cá lóc kho tộ đậm đà hương vị, món canh chua tép đồng ngon ngọt ăn kèm, món thịt luộc ăn cùng mắm tép với bánh tráng và rau sống đủ loại... Mấy món ăn quê nhà bà chỉ giản đơn vậy thôi nhưng bắt cơm lắm. Con cháu đứa nào cũng thích.