Chiều nay, mưa dông gọi thầm bên cửa sổ, không biết nơi quê nhà gió có rú gọi, sấm chớp có nổ đùng đùng trên đầu như ngày trước con còn ở gần cha? Con không biết mưa có làm khoang thuyền đầy ắp nước không cha? Con muốn chạy về bên cha, cùng cha cắm sào, thả neo, thả lưới và nhặt những tấm che bị gió cuốn…
Nếu ai đó hỏi về nơi con lớn, con sẽ không ngần ngại kể về làng chài quê mình và kể về cha, “ngài” ngư dân con vô cùng kính trọng và thương nhớ. Con gọi cha bằng “ngài” vì với con cha là vua của vùng đất ấy, là tướng sĩ kiên cường chiến đấu với gió bão, là một ngư dân khiến con luôn tự hào.
Ngư dân, nghe sang trọng quá chứ! Và cha của con là ngư dân. Cha luôn nói làm nghề như cha thì khổ nên cha muốn con học hành đàng hoàng, có chữ nghĩa để sau này đỡ vất vả. Con nghe lời cha khăn gói lên thành phố học chữ nhưng như thế con lại thương cha nhiều hơn. Bởi con đã 18 năm trời chứng kiến cha đương đầu với sóng gió để kiếm tiền nuôi con lớn và cho con học hành.
Xa xôi cả ngàn cây số, con không thể về thăm cha thường xuyên. Những ngày mưa nơi phố thị này con nhớ cha càng nhiều, nhớ cái thúng, cái nan và cả mái chèo cha khua lúc nắng chang chang lẫn lúc mưa day dứt. Con không sao yên lòng khi biết ở quê cha vất vả biết bao nhiêu.
Con vẫn nhớ như in trước ngày con vào lớp 6, cha đội nắng, đội mưa, đội sương, đội gió thả liên tiếp những mẻ lưới, đi soi, đi mò... Cha làm đủ thứ việc vì muốn sắm cho con bộ quần áo mới. Lúc cha trong dáng vẻ lam lũ, mệt nhọc gọi con đến bên và đưa cho con tiền sắm quần áo mới, con đã chạy xuống góc bếp đứng khóc vì thương cha.
Ngày đó, mỗi khi cha bệnh nằm trên chiếc giường, con ngốc ngếch sợ cha sẽ rời bỏ mình nên luôn nép sau bức tường không rời mắt khỏi bụng cha, bụng cha nhấp nhô là cha đang thở cũng có nghĩa là cha vẫn ở bên con. Đây là bí mật mà con chưa hề kể với ai. Ngay cả lúc trưởng thành như bây giờ, khi cha đau, con vẫn quen nhìn bụng cha như hồi còn nhỏ.
Lên thành phố học được 3 năm rồi, mỗi lần về thăm cha con lại thấy cha già đi nhiều quá. Tóc cha bạc nhiều hơn, những nếp nhăn càng hằn sâu, cha thật ốm o. Con thương cha giọt nước mắt đổ ngược vào trong, để cha không lo lắng, cả cuộc đời cha đã khổ nhiều rồi.
Con cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì được làm con của cha. Chưa bao giờ con tự ti về xuất thân hay vị thế của cha. Dẫu cha là ngư dân nghèo nhưng cha đã cho con một lối cũ đầy tình thương để con trở về khi đã mệt nhoài bởi những phù phiếm ngoài xã hội. Cha cho con biết giá trị của cuộc sống không nằm ở những gì cao sang, quyền quý mà nằm ở sự bình dị. Như sự bình dị của “ngài”, một ngư dân nghèo có trái tim yêu thương con vô bờ bến.
Hoàng Mai (Đà Nẵng)