1. Còn làm việc, còn tiếp xúc nhiều người, tôi buộc lòng “thay trắng đổi đen” để tạo niềm tin. Ngoài 40 tuổi, tóc tôi đã bị “muối nhiều hơn tiêu”. Ngấp nghé 50 tuổi, tóc xanh còn rất hiếm hoi trên đầu. Do vậy, cứ khoảng vài tuần là tôi phải tổ chức “đảo ngói”. Tuy nhiên, nhiều lúc chưa kịp nhuộm tóc, tôi đã gặp các tình huống bất ngờ.
Cũng như các bậc phụ huynh khác, vợ chồng tôi sắm sửa đủ đầy để chuẩn bị đón con gái cưng. Cũng cần nhắc thêm là vợ tôi nhỏ hơn tôi một con giáp. Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày tôi đưa vợ đi mua cái xe đẩy em bé, thấy vợ chồng tôi ngắm nghía, săm soi chiếc xe đẩy 2 chiều (chỉ cần nhấn nút, nâng tay cầm là đổi chiều), có mái che rất chắc chắn, cô bán hàng liền đon đả: “Chiếc xe đẩy này tuy hơi cao giá, nhưng chắc chắn và tiện lợi lắm.
Bà chị có phước lắm nghen! Ít ai được ba chồng đưa đi sắm đồ cho em bé”. Vợ tôi đỏ mặt, đưa tay xoa xoa cái bụng bầu: “Ừ! Cũng may lắm em? Con của ổng đó!”. Cô bán hàng tròn mắt nhìn tôi rồi nói lí nhí: “Vậy sao! Con xin lỗi chú”. Kể từ đó, tôi để ý thấy nhiều người cứ gọi vợ tôi là chị, nhưng lại xưng con, kêu chú với tôi.
Có chiếc xe đẩy, cứ sáng sáng, khi mặt trời vừa ló dạng là tôi lục tục sửa soạn nón, khăn, tã giấy… đưa con gái ra bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tắm nắng thì phải trần trùng trục, con gái tôi chỉ còn độc cái tã giấy trên người. Nằm ngửa thì phải xoay cái xe, đẩy cái mái để che mặt con. Phơi cái lưng thì bế con gái tựa vào ngực mình.
Thấy tôi đứng phơi nắng cùng con, mồ hôi tuôn ướt áo, mấy ông, mấy bà đi tập thể dục buổi sáng cười cười: “Ông chăm cháu! Thương quá!”. Tôi chẳng màng đính chính và chỉ gật đầu, cười cười. Bữa đó, có cô gái còn khá trẻ dẫn thằng con trai tầm 7, 8 tuổi đi tập thể dục. Thấy tôi đang phơi cái lưng cho con gái, cô dừng lại hỏi: “Ông cưng cháu quá! Cháu nội hay cháu ngoại vậy bác?”. Tôi bế ngửa con gái, rồi trả lời: “Con tôi đó!”.
Thấy con gái tôi giống cha như đúc, cô gái há hốc mồm: “Trời! Vậy mà con tưởng cháu. Xin lỗi! Chú năm nay bao nhiêu tuổi?”. “57!”. “Vậy là chú xem xem ông ngoại rồi!”. “Ừ! Có gì lạ đâu! Mấy đứa bạn học bằng trang lứa của tôi đã mần xui và có cháu nội, ngoại rồi mà…”.
2. Để tiện việc đưa đón, vợ chồng tôi xin cho con gái học trường mầm non ở phía sau cơ quan. Kể từ đó, con gái tôi mặc nhiên coi nơi làm việc của chúng tôi như nhà của nó. Các cô, chú cũng quen và vui với sự có mặt của nó. Có đồ ăn, thức uống gì cũng chừa phần cho con gái tôi. Cũng mừng là con gái tôi sáng dạ. Chỉ cần nhìn cha mẹ làm cái gì một lần là nó nhớ như in. Khát nước thì không cần xin hay khai báo. Con gái tôi chạy te te đến bình nước ở góc nhà, khom lưng mở tủ lấy ly giấy rồi đẩy cần gạt hứng nước. Uống xong thì bỏ ly giấy vào thùng rác ở gần đó đàng hoàng.
Tôi đã nhiều lần nghe các bậc cha, mẹ nói các cháu rất tôn trọng luật lệ. Bây giờ có con nhỏ, tôi có dịp chiêm nghiệm và thấy quá đúng. Trường Mầm non 5 - phường 5 quận 3 (TPHCM), nơi con tôi đang theo học, còn tổ chức dạy thêm nhiều kỹ năng cho các cháu. Các cô chú trọng cho các cháu học Luật Giao thông. Không biết “giáo trình” dày hay mỏng, nhưng các cháu và con gái tôi nắm khá vững đèn tín hiệu. Cứ đến đèn đỏ là nó la oai oải buộc ba phải dừng xe.
Và, dứt khoát không cho ba được quẹo phải khi đèn đỏ mà phải dừng đợi đèn. Thấy ai quẹo phải khi đèn đỏ là nó chỉ chỉ tay rồi cứng rắn “phê bình”: “Ba! Chú đó chạy đèn đỏ kìa ba. Kỳ cục quá! Đèn đỏ phải dừng, đúng không?”.
Có lẽ con gái tôi nghĩ tôi có “quyền lực” lắm. Thấy ai xả rác, nó cũng phản ứng: “Ba! Cô đó xả rác kìa ba!”. Rồi “lên lớp” luôn: “Không được xả rác. Đúng không?”. Mặc dù, ba đã trả lời rồi, nhưng lắm lúc có việc đó thôi mà con gái tôi cứ “đúng không” trên suốt đoạn đường về.
Phụ huynh nào mà chẳng thích con mình lễ phép. “Đi thưa, về trình” là bài học đầu tiên. Chẳng biết bữa đó, nó bực mình cái gì mà gặp ai cũng không chào. Đưa con đến lớp, tôi nói nhỏ với cô giáo việc này. Ngay chiều đó, con gái tôi đã thay đổi “thái độ”. Đi ngang mấy chú bảo vệ, nó dừng lại chào rõ to: “Con chào các chú!”. Thấy chú bảo vệ đứng ở cổng cơ quan, tôi nói nhỏ với nó: “Con chào chú bảo vệ nha”. Con gái tôi đi thẳng rồi nói lớn: “Con chào các chú rồi mà!”.
Không biết con cái các bạn có “lý luận” nhiều hay không, chớ con gái tôi là chuyên gia chuyện này. Nhờ các cô dạy kỹ năng giao tiếp, con gái tôi “vận dụng” khá nhuần nhuyễn. Gặp người lạ, đặc biệt là đàn ông, con trai nựng nịu, ôm ấp là nó khoát tay và la lớn. Thậm chí ba của nó là tôi đây, nó cũng vận dụng rất linh hoạt.
Vừa tròn 3 tuổi, con gái tôi biết ngồi chèm bẹp xuống đất để mang giày (dù nhiều lúc mang ngược) và cởi quần… để đi vệ sinh. Đương nhiên, con gái tôi chưa đủ cao để bật đèn phòng tắm. Lần đó, tôi lót tót đi theo bật đèn giùm con. Đèn vừa bật sáng, con chỉ tay ra ngoài cửa và dõng dạc nói: “Ba đi ra đi! Gà đi vệ sinh mà!”. Tốt! Biết giữ gìn thân thể vậy là quá được. Tuy nhiên, vài phút sau, cũng chính con gọi: “Ba! Xong rồi! Rửa đít cho Gà đi!”.
Mấy đứa nhỏ khác ra sao, tôi không biết, còn Gà rất quấn quýt ba mình. Ba ôm gối ngủ thì con hất cái gối ra, rồi bắt ba ôm. Trước đó, con không quên ôm hôn chụt chụt vòng quanh cái mặt ba. Sáng cứ thức dậy là gọi ba inh ỏi, rồi bắt ba bế hay cõng xuống nhà.
Mình leo cầu thang chưa mệt, còn con được cõng, được bồng mà vẫn thở phì phò bên tai. Cha già nuôi con mọn, chắc chắn là cực rồi, nhưng rất hạnh phúc! Đúng không? Trời đất, mình bị “nhiễm” cái cách nói của con Gà hồi nào vậy ta!