Cha đẻ phim bom tấn Silmido tham gia Ban giám khảo Giải thưởng phim ASEAN
SGGPO
Đạo diễn, nhà sản xuất phim Hàn Quốc kỳ cựu Jonathan Hyong-Joon Kim, “cha đẻ” của phim bom tấn Silmido năm 2004 sẽ tham gia Ban giám khảo Giải thưởng phim ASEAN tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX diễn ra từ ngày 24 đến 28-11, tại thành phố Đà Nẵng.
Ông Jonathan Hyong-Joon Kim ,“cha đẻ” của phim bom tấn Silmido
Trong khuôn khổ Liên hoan phim và nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Quỹ FILM ASEAN tổ chức Giải thưởng phim ASEAN (ASEAN FILM Awards). Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XX vừa tiết lộ danh sách 3 nhà hoạt động điện ảnh có uy tín của điện ảnh Hàn Quốc, Hồng Kông và Ba Lan sẽ tham gia Ban giám khảo Giải thưởng Phim ASEAN. Đây là các nhà sản xuất và đạo diễn phim có uy tín trên thế giới và không thuộc các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á.
Ấn tượng nhất trong đó là đạo diễn, nhà sản xuất phim Hàn Quốc kỳ cựu Jonathan Hyong-Joon Kim, “cha đẻ” của phim bom tấn Silmido năm 2004. Bộ phim này đã tạo nên cơn sốt chưa từng có trong lịch sử phim ảnh Hàn Quốc, bởi chưa đầy 2 tháng sau ngày ra mắt, bộ phim đã thu hút 9,85 triệu lượt người xem phim. Số lượng người xem Silmido năm 2004 nhiều hơn bất cứ bộ phim Hàn Quốc đình đám nào khác cho dù trong phim không hề có bóng dáng của một giai nhân mỹ nữ nào.
Phim bom tấn Silmido (Biệt đội ám sát)
Cũng trong năm 2004, ông Jonathan Hyong-Joon Kim đã được trao Giải thưởng Daejong dành cho nhà sản xuất xuất sắc nhất. Giải thưởng Daejong tại Hàn Quốc danh giá như giải Oscar của Mỹ.
Ông Jonathan Hyong-Joon Kim đã trải qua 2 nhiệm kỳ với cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất phim Hàn Quốc. Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, ông Kim đã sản xuất hơn 25 bộ phim, đóng vai trò quyết định trong sự thành công của 2 bộ phim Masquerade và A wedding Invitation. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ giám đốc sáng tạo tại Công ty Sản xuất Đa quốc gia Signal Pictures.
Nhân vật thứ 2 trong ban giám khảo là ông Roger Garcia - Giám đốc điều hành LHP Quốc tế Hong Kong; Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm Giải thưởng Điện ảnh châu Á.
Ông Roger Garcia, Giám đốc điều hành của LHP Quốc tế Hồng Kông
Ông Garcia tham gia với vai trò cố vấn và giám khảo của rất nhiều các LHP quốc tế tại Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong vai trò nhà sản xuất, ông đã làm việc tại nhiều hãng phim tại Hollywood và đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé nước Mỹ cùng với đạo diễn, nhà sản xuất Mark Wahlberg đồng sản xuất phim The Big Hit và nhiều phim độc lập khác tại châu Á…
Ông Roger Garcia là giám đốc điều hành của LHP quốc tế Hong Kong từ năm 2010 và chịu trách nhiệm chính cho LHP quốc tế hàng năm: LHP Quốc tế mùa hạ, chương trình phim kinh điển hàng tháng của CineFan, chợ dự án của Diễn đàn Tài chính Điện ảnh Hồng Kông - châu Á...
Và với cương vị Giám đốc của Học viện Giải thưởng Điện ảnh châu Á, ông cũng chịu trách nhiệm chính cho Giải thưởng Điện ảnh châu Á hàng năm và các hoạt động thường niên như chiếu phim quốc tế, các khóa đào tạo, tổ chức cho sinh viên tới LHP, đào tạo ở nước ngoài và phát triển kỹ năng cho các chuyên gia làm phim trẻ.
Người thứ 3 góp mặt trong thành phần ban giám khảo là bà Karolina Bielawska, đạo diễn và biên kịch Ba Lan.
Bà Karolina Bielawska, đạo diễn và biên kịch Ba Lan
Bà Karolina Bielawska tốt nghiệp Đại học Silesia, chuyên ngành Đạo diễn Truyền hình và Radio tại Katowice và Trường Wajda tại Vacxava.
Các tác phẩm chính bà làm đạo diễn phần lớn là phim ngắn và phim tài liệu. Bộ phim gần đây nhất của bà là Call me Marianna (tạm dịch: Hãy gọi tôi là Marianna), đã được trình chiếu tại 65 LHP lớn nhỏ, trong đó có LHP tại Locarno, St. Petersburg, Barcelona, Tel Aviv, Kiev, Lisbon, Chicago và Los Angeles và thu được về 25 giải thưởng khác nhau.
Bà đã được đề cử tại nhiều hạng mục phim trong LHP Polityka Passport Award 2015. Năm 2016, bà nhận được giải thưởng Charles E. Guggenheim Emerging Artist và một đề cử của Viện Hàn lâm Điện ảnh Ba Lan 2017.
Giải thưởng phim ASEAN (ASEAN FILM Awards) được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam và Việt Nam trở thành nước chủ nhà đầu tiên đăng cai giải thưởng này. Dự kiến, các năm sau, giải thưởng sẽ lần lượt được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên khác trong khối ASEAN.
Với chủ đề “Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN”, tiêu chí của giải thưởng hướng đến các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, các nhà làm phim, nghệ sĩ điện ảnh có sức sáng tạo nổi bật trong khối ASEAN để vinh danh hằng năm. Đồng thời, thông qua giải thưởng, phát hiện và khích lệ tài năng mới của điện ảnh ASEAN.
Quy định đối với phim tham dự Giải thưởng phim ASEAN 2017: Là phim dài xuất sắc do các nhà làm phim thuộc các nước ASEAN thực hiện, mỗi nước ASEAN được tuyển chọn 1 phim tham dự giải thưởng, phim phải do cơ quan điện ảnh nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa/Bộ Thông tin hoặc cơ quan tương đương của mỗi nước tuyển chọn đại diện cho quốc gia gửi đến tham dự...