Cụ thể, tháng 3-2017, do thiếu vốn đầu tư bất động sản, ông L.N.T. tìm đến Thiện vay tiền với 2 mức lãi suất 3.000 và 3.500 đồng/1 triệu/1 ngày (tức 109,5% và 127,7%/năm). Cứ 10 ngày sẽ thanh toán tiền lãi 1 lần và nếu đến hẹn chưa trả được thì Thiện sẽ yêu cầu ông T. viết giấy vay tiền mới bằng cách cộng lãi vào gốc.
Tính đến năm 2020, ông T. đã vay của Thiện tổng cộng 68,5 tỷ đồng và đã trả số tiền lãi gần bằng với số tiền gốc đã vay nhưng vẫn bị Thiện tính nợ lãi 17,5 tỷ đồng nên đã làm đơn tố giác tới cơ quan công an.
Cá biệt, có trường hợp từ 2017 đến 2020 có vay của Thiện hơn 84 tỷ đồng, đã trả được toàn bộ tiền gốc và lãi hơn 98 tỷ đồng, nhưng trên hợp đồng vay tiền vẫn nợ Thiện 182 tỷ đồng là tiền lãi phát sinh không trả được.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Lê Thái Thiện cho vợ chồng ông N.V.X. vay 42,8 tỷ đồng và sau một thời gian, số tiền cả gốc lẫn lãi ông X. không thể trả được lên đến 51,8 tỷ đồng. Lúc này, Thiện buộc vợ chồng ông X. phải chuyển nhượng lại cho mình một số bất động sản và Thiện mang bất động sản này đi thế chấp.
Theo cơ quan điều tra, tổng cộng có 9 người tố cáo với tổng số tiền Thiện cho vay hơn 324 tỷ đồng và những người này đã trả được cho Thiện 279 tỷ đồng tiền gốc và hơn 122 tỷ đồng tiền lãi.
Còn với Lê Thái Phong, con trai của Thiện có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp sức cho bố và đứng tên các hợp đồng vay vốn cũng như chịu trách nhiệm thu hồi nợ. Ngoài ra, Phong cũng cho 23 người khác vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền gần nửa tỷ đồng.
Với hành vi "Rửa tiền", cơ quan điều tra xác định trong quá trình cho vay, khi những người vay tiền của Thiện không còn khả năng để trả gốc và lãi cho các khoản vay vì lãi suất quá cao, cách tính lãi kiểu "lãi mẹ đẻ lãi con" 2 cha con Thiện "Soi" đã yêu cầu trả bằng các bất động sản và dùng số tiền thu lợi bất chính hợp thức hóa thành các tài sản như đất đai, nhà cửa và các tài sản khác với số tiền hơn 59 tỷ đồng.