Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân là một nam giới 35 tuổi (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, bụng chướng, tiểu buốt, tiểu ra máu.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính và xác định người bệnh bị sỏi niệu quản phải với kích thước 9x7 mm. Qua kết quả chụp CT, các bác sĩ phát hiện người bệnh có bất thường về hệ tiết niệu, có nhiều đơn vị thận hơn bình thường (4 quả thận) và đây là một trong những nguyên nhân hình thành sỏi thận.
Chia sẻ về việc có tới 4 quả thận trong cơ thể, nam bệnh nhân cho biết, khi con gái của bệnh nhân mới chào đời và cũng được các bác sĩ phát hiện ra sự bất thường khi trong cơ thể có 3 quả thận và 2 bàng quang (một bàng quang lớn và 1 bàng quang nhỏ). Khi cháu bé được 18 tháng tuổi đã được phẫu thuật cắt bỏ 1 bàng quang nhỏ, cấu tạo lại hệ tiết niệu.
Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân có tới 3 - 4 quả thận là dị tật bẩm sinh hiếm và là do mầm niệu quản phát triển bất thường trong lúc bào thai hình thành và phát triển. Bình thường mầm niệu quản phát triển thành 2 quả thận và người bình thường chỉ có 2 quả thận. Tuy nhiên, có một số ít người, một mầm niệu quản thay vì phát triển thành 2 quả thận lại phát triển thành 4 quả thận như trường hợp của nam bệnh nhân trên là rất hiếm gặp, đến nay y văn thế giới ghi nhận chưa nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên cho biết thêm, do bệnh nhân có tới 4 quả thận nên việc điều trị gặp khó khăn hơn so với người bình thường. Hơn nữa, bệnh nhân bị sỏi thận và đã tự điều trị khá lâu nhưng không hiệu quả nên hình thành viêm, phù nề ở niệu quản. Do đó, các bác sĩ đã lựa chọn phương án can thiệp bằng phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản - sỏi thận bằng laser. Sau mổ, các bác sĩ lấy mẫu bệnh sỏi của người bệnh để tiến hành giải phẫu, nhằm đưa ra phương án điều trị tiếp theo người bệnh để hạn chế nguy cơ hình thành sỏi.