Xuất hiện trong trang phục thường nhật, ông Edo vui vẻ chia sẻ rằng mình không muốn đóng khung trong bộ âu phục của một người làm tài chính. Ông nhanh chóng giới thiệu góc bàn làm việc nhỏ đặt trong một văn phòng mở, không vách ngăn với nhân viên, bên cạnh khung cửa kính nhìn thẳng ra sông Sài Gòn. Bức tranh hoa anh đào lớn đang nở rộ điểm xuyến hoàn hảo với nội dung cuộc trò chuyện: Một chuyên gia cấp cao người Nhật chia sẻ về tiềm năng, sự hấp dẫn của Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm Việt nói riêng.
- Ông chính thức được bổ nhiệm vào vị trí CFO Prudential Việt Nam từ ngày 22-8. Cuộc sống của ông có gì thay đổi?
Ý tưởng cả gia đình có thể cùng nhau sang Việt Nam bắt đầu từ dịp Giáng sinh năm ngoái, khi thư mời làm việc được gửi vào đúng thời điểm này, và vợ tôi nói rằng chẳng có lý do gì để từ chối một món quà tuyệt vời đến như vậy cả.
Quyết định đến Việt Nam làm việc là một bước ngoặt lớn đối với tôi và cả gia đình. Cơ hội giáo dục ở Việt Nam cũng rất tốt và là môi trường tuyệt vời cho các con tôi khám phá cộng đồng quốc tế và trải nghiệm đa dạng văn hóa.
Khi nhận được thư mời từ Prudential, tôi biết chắc chắn mình đã tìm được cơ hội công việc mong muốn bởi tôi biết bề dày hoạt động của Prudential tại châu Á và yêu thích văn hóa công ty. Cách đây 20 năm tôi từng có cơ hội làm việc với Prudential nhưng lúc đó tôi muốn trải nghiệm và hoàn thiện bản thân mình thêm. Vì thế, ở lần nhận việc này, tôi cảm thấy như mình có “duyên” trở lại với Prudential vậy.
- Thử thách mà ông đang nói tới ở đây là gì? Bên cạnh những thử thách đó, ông có thuận lợi gì khi làm việc tại Việt Nam?
Về thách thức, tôi thấy khó nhất là ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng tiếp nhận văn hóa mới và tôi cũng đang học tiếng Việt.
Về thuận lợi, tôi thấy người Việt Nam rất yêu mến người Nhật Bản vì hai nước cũng có những nét tương đồng trong văn hóa với nhau.
Tại Prudential, tôi có thể bày tỏ các vấn đề và mọi người sẽ lắng nghe và cùng đưa ra ý kiến khác nhau. Tôi có cơ hội để áp dụng suy nghĩ và thử nghiệm cách làm của mình trong công việc.
- Là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm tại Nhật Bản, ông nhận định như thế nào về thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam?
Thị trường Việt Nam vẫn còn trẻ và đầy tiềm năng so với ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới. Độ phủ của bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn khá thấp, chỉ khoảng 10%. Việc tăng độ phủ từ 10% lên 15% sẽ diễn ra một cách tự nhiên bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển khá mạnh. Ngoài ra, người Việt đang rất quan tâm tới sức khỏe sau dịch, đây là một thời cơ tốt để gia tăng độ phủ của bảo hiểm cũng như nhận thức về ngành.
Ở Prudential, chúng tôi đang cải thiện tốt hơn nữa quy trình bán hàng với chiến lược luôn đặt khách hàng làm trọng tâm. Chỉ cần tất cả mọi người đều tâm niệm khách hàng là cốt lõi thì dù ở cấp độ công ty, nhân viên hay tư vấn viên, mọi thứ cũng sẽ đều diễn ra theo cách chuyên nghiệp và bền vững.
- Trên thế giới, Green Finance (Tài chính xanh) đang trở thành một xu hướng ngày càng rõ nét. Là một tập đoàn về tài chính, Prudential đang có những chiến lược/hoạt động cụ thể gì đi theo xu hướng này?
Chúng tôi quản lý nguồn tiền thông qua các hoạt động đầu tư, như mua trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu chính phủ. Khi chúng tôi đầu tư vào trái phiếu nhà nước, chính phủ sẽ có nguồn vốn để đầu tư vào những hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển nền kinh tế tại quốc gia. Prudential có kinh nghiệm toàn cầu với các sáng kiến về đầu tư xanh. Chúng tôi sẵn sàng cử những chuyên gia giàu kinh nghiệm tới Việt Nam để thúc đẩy tài chính xanh, nhằm hướng tới các mục tiêu bền vững, góp sức giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon.
- Định hướng bền vững này có liên quan đến các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) mà các doanh nghiệp trên thế giới đang tuân thủ? Ông có thể chia sẻ thêm các tiêu chuẩn này được hiểu như thế nào tại Prudential Việt Nam?
Định hướng này là một phần của khung chiến lược ESG của Prudential. Ví dụ, trái phiếu xanh là một đóng góp cho biến đổi khí hậu. Chúng tôi chủ động giảm tác động môi trường, như việc các hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử hay quy trình thẩm định, bồi thường cũng được số hóa với tỉ lệ sử dụng lên đến hơn 80%.
Về yếu tố xã hội, bên cạnh những sản phẩm bảo hiểm truyền thống dài hạn, chúng tôi có những sản phẩm bảo vệ sức khỏe trực tuyến với mức chi phí hợp lý. Chúng tôi còn đóng góp cho cộng đồng thông qua các dự án dài hạn như Chương trình giáo dục tài chính cho trẻ em Cha-Ching hay dự án đồng hành cùng chính phủ cho vấn đề già hóa dân số.
Về quản trị (Governance), chúng tôi đầu tư rất nhiều vào con người, tạo ra một môi trường làm việc công bằng, đa dạng và hòa hợp và đó cũng là cách để chúng tôi đóng góp trách nhiệm với xã hội.
- Theo góc nhìn của ông, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong những năm tới sẽ phát triển như thế nào và Prudential có thể làm gì trong tiến trình đó?
Năm tới, Luật Kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực. Quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Với các công ty bảo hiểm, đây sẽ là thách thức nhưng nếu chúng ta thực sự quan tâm tới khách hàng từ khâu bán, đáp ứng được nhu cầu của họ thì sẽ có lợi nhuận và tăng trưởng.
Không chỉ khi có vấn đề xảy ra, mà công ty bảo hiểm sẽ đồng hành cùng khách hàng trong suốt giai đoạn của hợp đồng bảo hiểm. Đó là chìa khóa để phát triển thị trường bảo hiểm, không chỉ với Prudential mà là toàn ngành.
Bên lề của cuộc phỏng vấn, ông Masatoshi Edo chia sẻ đam mê cá nhân của mình về âm nhạc. Vị chuyên gia tài chính người Nhật chơi đàn violon từ năm 12 tuổi và đang là thành viên một dàn giao hưởng nghiệp dư tại Tokyo. Tuy nhiên, do công việc mới tại Việt Nam quá bận rộn nên cơ hội duy nhất mà ông có thể chơi đàn chính là các sự kiện của công ty, nơi mà âm nhạc giúp ông gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ của mình. |