CDIO đổi mới giáo dục đại học Việt Nam

Bắt đầu áp dụng tại Đại học Quốc gia TPHCM từ năm 2010 với việc thí điểm ở một số chương trình đào tạo (CTĐT), mô hình CDIO hiện đã mở rộng đến nhiều trường, nhiều lĩnh vực đào tạo.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM tặng quà lưu niệm sau buổi trao đổi kinh nghiệm với ​GS Johan Malqvist - lãnh đạo Hiệp hội CDIO thế giới
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM tặng quà lưu niệm sau buổi trao đổi kinh nghiệm với ​GS Johan Malqvist - lãnh đạo Hiệp hội CDIO thế giới
 Sinh viên các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM được trải nghiệm trong các phòng thực hành nghề nghiệp, có môi trường học tập tích cực, sáng tạo; phát triển tốt các kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp mà xã hội yêu cầu. CDIO đang khẳng định sự đóng góp lớn cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.Khung chuẩn cải cách  Sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua gia nhập WTO (năm 2007) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (năm 2015), đặt ra yêu cầu ngày càng lớn hơn đối với các cơ sở giáo dục Việt Nam để đào tạo một lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Yêu cầu này đòi hỏi đổi mới CTĐT, phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng và quy trình kiểm định chất lượng. Ở tầm quốc gia và phạm vi cơ sở, một số chính sách và sáng kiến đã được thực hiện, như Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học (năm 2007); các chương trình tiên tiến; đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA; kiểm định một số CTĐT theo tiêu chuẩn ABET; tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT (năm 2016). Trong khi các chương trình tiên tiến, các tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cung cấp mô hình và những yêu cầu, điều kiện cụ thể mà một CTĐT cần đáp ứng, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vẫn cần một phương pháp luận hay khung chuẩn toàn diện hơn cho việc cải tiến liên tục chất lượng CTĐT.
CDIO đổi mới giáo dục đại học Việt Nam ảnh 1 Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu các mô hình thiết kế tại ngày hội kỹ thuật
 Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM sớm nhận thấy phương pháp tiếp cận CDIO, một sáng kiến và phương pháp luận cho cải cách giáo dục kỹ thuật với đề cương CDIO và một bộ tiêu chuẩn CDIO, giúp giải đáp những câu hỏi “làm gì” và “làm thế nào” theo cách thức có hệ thống và không bắt buộc, do đó khả thi để giải quyết những yêu cầu và điều kiện đặc thù của các CTĐT khác nhau. Với nhiều điểm mạnh, phương pháp tiếp cận CDIO được tiếp nhận như khung tham chiếu để phát triển một khung chuẩn cải cách CTĐT.
CDIO bắt đầu được áp dụng tại ĐHQG TPHCM từ năm 2010, bằng việc thí điểm một số CTĐT. Cũng trong năm 2010, ĐHQG TPHCM chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO thế giới. Sau 3 năm thí điểm, từ năm 2013, CDIO được mở rộng triển khai trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, khoa học, kinh doanh, quản lý. Từ năm 2015, mở rộng một số CTĐT lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đến tháng 8-2016, toàn ĐHQG TPHCM có 62 CTĐT tham gia áp dụng CDIO.  Trên cơ sở áp dụng các nguyên lý CDIO và phát huy sức mạnh hệ thống, ĐHQG TPHCM đã xây dựng mô hình cải tiến CTĐT, xây dựng và triển khai đề án triển khai thí điểm CDIO tại một số khoa của các trường đại học thành viên và từng bước mở rộng áp dụng cho các khoa khác cũng như các cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Sinh viên phát triển hiệu quả các phẩm chất Đến tháng 8-2016, 4 CTĐT về máy tính và công nghệ thông tin (CNTT) tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã hoàn tất 2 khóa đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra mới theo mô hình CDIO, có cơ hội việc làm cao hơn các khóa trước đây. CTĐT Kỹ thuật cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa cũng đã hoàn tất 1 khóa đào tạo (khóa 2011). Tại trường, chương trình chưa thể hiện toàn diện chuẩn đầu ra và chưa triển khai đồng bộ cho tất cả sinh viên khóa liên quan. Tuy nhiên, tương ứng với các tiêu chuẩn CDIO, chương trình đã xác định rõ ràng triết lý, mục tiêu và bối cảnh đào tạo; chuẩn đầu được xây dựng cụ thể, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. CTĐT được thiết kế tích hợp giảng dạy kỹ năng với kiến thức và phát triển phẩm chất; đội ngũ giáo viên được tăng cường kỹ năng CDIO, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm…  Đến đầu năm 2017, ĐHQG TPHCM có tổng cộng 5 trường, 29 khoa, 62 ngành triển khai CDIO; trong đó có 30 ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật; 32 ngành đào tạo phi kỹ thuật. Với CDIO, sinh viên các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế - Luật được thụ hưởng không gian học tập hiện đại. Sinh viên được trải nghiệm trong các phòng thực hành nghề nghiệp; có môi trường học tập tích cực, chủ động, sáng tạo. Các chương trình nhận được phản hồi tích cực từ sinh viên: chuẩn đầu ra rõ ràng, tăng cường thực hành kỹ năng, khuyến khích học chủ động, đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra và theo quá trình; do đó, giúp sinh viên phát triển hiệu quả các kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp mà xã hội yêu cầu. Từ năm 2008 đến nay, trên 3.700 lượt cán bộ, giảng viên của ĐHQG TPHCM được bồi dưỡng về kỹ năng thực hành nghề nghiệp; được cung cấp kỹ năng thiết kế và phát triển CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra, cung cấp trải nghiệm học tích hợp kỹ năng với kiến thức, áp dụng phương pháp học chủ động trong trải nghiệm, thông qua trên 60 khóa tập huấn do chuyên gia từ Hiệp hội CDIO Thế giới và chuyên gia của ĐHQG TPHCM thực hiện; trên 30.000 sinh viên (chiếm 60% quy mô sinh viên toàn ĐHQG TPHCM) được thụ hưởng CTĐT. ĐHQG TPHCM đã làm chủ công nghệ thiết kế và phát triển CTĐT dựa trên chuẩn đầu ra và theo các chuẩn mực chất lượng quốc tế. Trong các năm 2010-2017, ĐHQG TPHCM có trên 20 báo cáo khoa học tham gia các hội nghị CDIO quốc tế; biên dịch 1 tài liệu và biên soạn 4 tài liệu đúc kết áp dụng CDIO; đã xuất bản và phổ biến trên toàn quốc. ĐHQG TPHCM chủ trì hội thảo CDIO toàn quốc năm 2010, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị CDIO toàn quốc năm 2012, Hội nghị CDIO khu vực châu Á năm 2015 và Hội nghị CDIO toàn quốc năm 2016. Hiện ĐHQG TPHCM đã đúc kết được các mô hình mẫu triển khai CDIO cho nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ, nhóm ngành khoa học và các khung chuẩn chung phát triển CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra. Nhiều thành quả áp dụng CDIO tại ĐHQG TPHCM đã được chia sẻ rộng rãi trong Hiệp hội CDIO thế giới và khu vực, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Các mô hình mẫu và khung chuẩn chung đã và đang được nhân rộng áp dụng tại ĐHQG TPHCM và nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, qua đó giúp hình thành và phát triển một mô hình thúc đẩy cải cách CTĐT thông qua việc nhân rộng áp dụng CDIO ở Việt Nam.
Sáng kiến CDIO ra đời nhằm đào tạo sinh viên trở thành người kỹ sư biết bao quát việc Hình thành ý tưởng (Conceive) - Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) - Vận hành (Operate) các sản phẩm và hệ thống có tính phức tạp, có giá trị gia tăng, trong môi trường hiện đại, làm việc theo nhóm. Điểm then chốt của CDIO là đề cương CDIO, một tuyên bố về mục tiêu của chương trình đào tạo và bộ 12 tiêu chuẩn CDIO được thiết kế để giúp đạt các mục tiêu đó. Các tiêu chuẩn này bao gồm triết lý của chương trình, phát triển chương trình đào tạo, không gian làm việc và các trải nghiệm thực tế, phương pháp dạy và học, nâng cao năng lực giảng viên, đánh giá và kiểm định. Đến nay, việc sử dụng cách tiếp cận CDIO trong việc xây dựng CTĐT đại học đã nhanh chóng được phổ biến và áp dụng rộng rãi hơn 50 trường đại học của gần 20 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Nam Phi, Trung Quốc, Singapore... 
                                                  _______________________

                 Phổ biến CDIO cho toàn ngành giáo dục


PGS-TS NGUYỄN HỘI NGHĨA, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM:

Việc triển khai áp dụng mô hình đào tạo CDIO đã giúp ĐHQG TPHCM có phương pháp hiện đại để xây dựng và triển khai các CTĐT tốt, toàn diện. Từ đó ĐHQG TPHCM có nhiều CTĐT được kiểm định quốc tế và đạt kết quả. Bên cạnh đó, ĐHQG TPHCM thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong hệ thống, thí điểm rồi mở rộng cho ĐHQG TPHCM và hơn thế nữa là phổ biến cho toàn ngành giáo dục. ĐHQG TPHCM đã trình bày, tư vấn cho rất nhiều trường ngoài hệ thống về triển khai và áp dụng mô hình đào tạo CDIO như ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH FPT, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Hàng hải (Hải Phòng),  ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Đại học Thủ Dầu Một, ĐH An Giang...

Hiện nay AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) xác định lĩnh vực phát triển CTĐT là lĩnh vực đầu tiên trong 5 hợp tác trong giai đoạn mới, từ năm 2018-2022 và ĐHQG TPHCM đã đi trước trong lĩnh vực này.

PGS-TS VŨ ĐỨC LUNG, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin:

CDIO đã giúp Trường ĐH CNTT tái thiết kế các chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động thông qua phát triển đồng thời kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực thực hành nghề nghiệp cho sinh viên; giúp trang bị cho các giáo viên kỹ năng áp dụng phương pháp học chủ động và học thông qua trải nghiệm, kỹ năng đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra. Đa số giáo viên công nhận việc áp dụng CDIO đã giúp họ quản lý tốt hơn việc giảng dạy và đánh giá. Sinh viên đánh giá rất cao các lớp học theo CDIO và mong muốn nhà trường mở rộng cho tất cả môn học.

TS HUỲNH VĂN THÔNG, Trưởng khoa Báo chí Truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV:

Sinh viên ngành báo chí và truyền thông có trình độ đầu vào tốt, nên kỳ vọng đối với CTĐT cũng rất cao. Tuy nhiên, CTĐT trước đây được thiết kế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu một khung lý luận và quy trình để nhận diện nhu cầu xã hội, thiết kế mục tiêu, xây dựng chuẩn đầu ra và truyền tải các yêu cầu chuẩn đầu ra vào chương trình. Mặc dù khoa đã có những nỗ lực cải tiến liên tục, trong đó module hóa chương trình theo cách tích hợp KSA (kiến thức - kỹ năng - thái độ) vào các môn học, nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ lắp ghép mà chưa có một hệ thống mô tả, phân tích cụ thể và vững chắc. CDIO giúp khoa có được cách tiếp cận đáp ứng các yêu cầu này và một lộ trình để tái thiết kế CTĐT và giảng dạy nhằm đáp ứng cao hơn và bền vững hơn nhu cầu thực tiễn của nghề nghiệp… 

Tin cùng chuyên mục