Chiều 3-10, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội quý 3-2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng nhiều cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ sau bão số 3 vẫn còn nguyên bọc bầu, đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội cho biết, qua rà soát, trong những cây xanh đô thị bị gãy đổ sau bão số 3, có 12 cây còn nguyên bọc bầu. Trong đó, 7 cây được bọc bằng vật liệu không phân hủy được, 5 cây bọc bằng vỏ bao xi măng. Theo ông Hưng việc trồng cây còn nguyên bọc bầu bằng vật liệu không phân hủy được khiến cây xanh không thể phát triển.
"Việc đầu tư để trồng cây, Sở Xây dựng không làm, mà sau khi trồng cây xong, Sở Xây dựng đảm nhiệm việc duy tu, duy trì, cắt cây, tỉa cành, tưới cây. Đây là một việc mà Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Năm 2014, Sở Xây dựng đã rà soát 1 lần. Với 12 cây này, chúng tôi tiếp tục truy tìm chủ đầu tư để chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình", ông Hưng cho biết.
Thống kê, với loại cây TP Hà Nội quản lý thì có 11.756 cây gãy, đổ. Cây dựng lại được ngay tại chỗ là 3.513 cây, cây chuyển về vườn ươm để cứu là 608 cây. Còn lại là cây gãy, đổ không cứu được, phải cắt khúc chuyển về để đấu giá thanh lý. Tổng hợp cây quý hiếm, cây lịch sử, cổ thụ có 98 cây, trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây (cứu được 33 cây, 2 cây không cứu được vì khi đổ thân bị toác sâu xuống gốc).
Về công tác trồng cây, theo ông Hưng, việc trồng cây đã được UBND TP Hà Nội quyết định ngày 8-12-2020 về quy trình định mức kỹ thuật duy tu, duy trì. Theo đó, kích thước hố được quy định, kích thước bầu cũng được quy định, độ sâu trồng cũng được quy định rõ ràng.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội, về bộ rễ của cây xanh, với khu phố cổ Hà Nội, khi mở rộng vỉa hè thì cây nằm hoàn toàn trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dưới là cấp thoát nước, viễn thông, điện lực, có những cây khi cắm rễ xuống đất không được nên rễ cây ăn ngang, đâm chồi lên.