Trước đây, trên cù lao Tân Phú Đông canh tác chủ yếu là cây lúa do đặc thù địa lý, hàng năm nơi đây nước mặn đến rất sớm và bao phủ toàn bộ cù lao. Vì vậy, dù phải đắp đập, đê bao chống mặn, lúa cũng chỉ trồng được 1 vụ/năm, năng suất thấp. Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu, hạn mặn ngày càng gay gắt, cuộc sống người dân trên cù lao càng thêm khó khăn. Từ khi chuyển đổi sang trồng sả, hàng ngàn hộ dân huyện cù lao này không chỉ thoát nghèo mà có cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) nằm giữa 2 nhánh sông Cửu Long (Cửa Tiểu và Cửa Đại), lại sát biển, vì vậy mùa khô nước mặn từ sông Cửa Đại và Cửa Tiểu bao trùm khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Từ khi phát hiện cây sả thích nghi tốt với điều kiện hạn mặn và không tốn nhiều nước tưới như các loại cây trồng khác nên dễ dàng duy trì sản xuất trong mùa khô; Chi phí phân bón, nhân công chăm sóc thấp và có thể trồng nhiều vụ trong năm, giá trị kinh tế cao, ít rủi ro… nên chính quyền và người dân phát triển diện tích trồng sả. Đồng thời xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng cồn bãi, cù lao nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang.
Ông Trần Thương, ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông cho biết, trước đây hơn 2ha ruộng ông trồng lúa nhưng không hiệu quả, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Nhờ chuyển đổi sang trồng sả, gia đình ông đã thoát nghèo.
Ông Thương chia sẻ, qua nhiều năm kinh nghiệm, đến nay tôi đã biết cách thu hoạch sả để lại cây con cho mùa tiếp theo, tiết kiệm được chi phí con giống, nhân công rất nhiều. Hiện, các ruộng sả ổn định, hai vợ chồng tôi thuê nhân công thu hoạch với giá 1.200 đồng/kg, dành thời gian cho các con tôi tập trung việc học.
Cây sả mọc thì cỏ không mọc được nên ít tốn công chăm sóc. Cuộc sống hai ông bà nay cũng nhàn nhã, một năm 2 đến 3 vụ, trừ chi phí thu nhập mỗi vụ cũng được vài chục triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng xen bắp và rau màu trong ruộng sả cũng có thêm thu nhập.
Đến nay, có gần 90% nông dân ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông trồng sả. Những hộ gia đình không có đất trồng sả cũng sống nhờ cây sả như thu hoạch sả từ ruộng, cắt làm sạch sả, chuyên chở sả… thu nhập trung bình khoảng 400.000đồng/ngày.
Ngoài ra, người dân còn kết thành từng nhóm từ 10 đến 12 người nhận cắt sả bó thành từng bó giao cho thương lái với giá 1 tấn khoảng 400.000 đồng tiền công. Chị Ngô Thu Trang, ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh cho hay, nhóm của chị làm việc từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa cũng được hơn 5 tấn chị em chia nhau.
Từ ngày địa phương phát triển cây sả, người dân ở đây ai ai cũng có việc làm, thu nhập ổn định. Ngày nào cũng làm kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ… Sau giờ làm còn có thể tranh thủ làm việc nhà. Việc nhẹ nhưng thu nhập ổn định nên ai cũng hăng say làm việc.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết, 1 ha sả cho năng suất khoảng 15 tấn, trong khi đó trồng lúa khoảng 4 tấn, giá lúa và giá sả tương đương nhau. Vì vậy, người dân trồng sả thu nhập cao hơn trồng lúa từ 3 đến 4 lần.
Cây sả ở đây cho chất lượng tốt, cây to, hàm lượng tinh dầu cao, được thị trường trong nước ưa chuộng, đồng thời xuất khẩu ra nước ngoài. Huyện đang hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nâng cao sản lượng và chất lượng cho cây sả.
Đồng thời, liên kết với các trường đại học đặt máy làm đất, máy bón phân, máy trồng sả và máy thu hoạch sả… với hy vọng trong tương lai sẽ giải phóng sức lao động cho người dân, đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, cây sả được ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, với phần lớn diện tích sả được trồng ở huyện Tân Phú Đông đều theo đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng.
Tuy nhiên, để ổn định đầu ra, không xảy ra tình trạng “cung vượt cầu” với cây sả, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông cần phối hợp với các ngành có liên quan, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và tìm đầu ra ổn định. Mặt khác, cần hướng cây sả thương phẩm đến sản xuất “sạch”, sản xuất hữu cơ để xây dựng “thương hiệu”, phục vụ nhu cầu của thị trường ngày càng cao.
Toàn huyện Tân Phú Đông xây dựng được vùng trồng chuyên canh sả gần 3.800 ha. Trong 8 tháng đầu năm, địa phương thu hoạch được trên 56.000 tấn sả thương phẩm, đạt gần 82% chỉ tiêu cả năm. Đến nay, huyện Tân Phú Đông có 7,5 ha sả ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông được chứng nhận VietGAP.