Cây tăm nhỏ - gây họa lớn

Thời gian gần đây, các cơ sở y tế thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện vì nuốt phải tăm, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. 

Mặc dù đã được cảnh báo về các trường hợp này, nhưng nhiều người vẫn có thói quen ngậm tăm sau khi ăn, cũng như vừa nói chuyện vừa ngậm tăm. Hành động này vừa mất thẩm mỹ vừa có nguy cơ gây ra những hiểm họa khó lường.

Hậu quả từ thói quen

Mới đây, Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức cứu chữa kịp thời một bệnh nhân nữ bị thủng tá tràng vì nuốt nhầm tăm xỉa răng. Bệnh nhân là chị C.T.N.C. (54 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ruột dữ dội mà không rõ nguyên nhân.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ chỉ định chụp CT, kết quả ghi nhận tại vùng D3 tá tràng có dị vật là chiếc tăm tre dài khoảng 3cm, đâm xuyên thành ruột và có tụ khí dịch xung quanh. Bệnh nhân được chỉ định nội soi thực quản dạ dày, kết hợp nội soi thám sát nhằm đánh giá mức độ tổn thương do dị vật gây ra. Ngay sau đó, que tăm được gắp ra và sức khỏe bệnh nhân C. đã ổn định.

Cây tăm nhỏ - gây họa lớn ảnh 1 Dị vật là tăm tre nhọn được phát hiện trong ổ bụng của một bệnh nhân
Cũng trong tháng 3, BV Thống Nhất đã lấy thành công cây tăm bông dài gần 10cm ở phổi bên trái cho bệnh nhân C.Đ.K (54 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) trong lúc vệ sinh răng miệng sơ ý để cây tăm bông chui tọt vào phổi.

Trước đó, các bác sĩ khoa ngoại Gan - Mật - Tụy, BV Bình Dân cũng tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy ra một chiếc tăm dài 6cm, có 2 đầu vót nhọn, khỏi lá lách của một bệnh nhân nam 46 tuổi. Ca phẫu thuật đã tránh cho người bệnh nguy cơ cây tăm xuyên thủng động mạch lách gây xuất huyết trong ổ bụng và các nguy cơ khác như ổ áp-xe, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng người bệnh.

Tương tự, BV Đại học Y Dược cũng phẫu thuật nội soi lấy thành công một tăm tre tăm dài khoảng 6cm đâm thủng ruột non, tạo khối áp - xe trong ổ bụng bệnh nhân T.H.S. (14 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân rất may mắn vì được phát hiện sớm. Nếu không que tăm sẽ tiếp tục làm thủng thêm những quai ruột khác, lan rộng tình trạng nhiễm trùng ổ bụng và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.

Chớ coi thường

Theo TS-BS Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo BV Đại học Y Dược TPHCM, việc sử dụng tăm là thói quen từ rất lâu của người Việt Nam. Thậm chí một số người còn có thói quen “ngậm tăm đi dạo”, vừa mất thẩm mỹ, mất vệ sinh vừa gây nguy hiểm cho bản thân nếu lỡ nuốt phải. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay dần tăm tre bằng các loại tăm tổng hợp, tự tiêu sau một khoảng thời gian, hoặc dùng các loại tăm chỉ hoặc chỉ nha khoa thay thế, vừa làm sạch được các mảng bám ở răng hơn vừa an toàn cho cộng đồng. Nếu lỡ nuốt phải tăm hay bất kỳ dị vật nào, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa để lấy dị vật ra càng sớm càng tốt, cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời.

Theo thống kê của BV Bình Dân, trong năm 2018, bệnh viện tiếp nhận điều trị hơn 20 trường hợp nuốt các dị vật như tăm, xương cá, xương gà, xương heo. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp nuốt phải tăm xỉa răng mà không biết mình đã nuốt phải dị vật vốn quen thuộc nhưng vô cùng nguy hiểm này.

Th.S-BS Dương Bá Lập, Khoa ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân, cho hay tăm xỉa răng là dị vật thường bị nuốt phải nhất. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người bệnh không biết đã nuốt dị vật khiến người bệnh phải trải qua phẫu thuật khi tăm đã cắm sâu trong thực quản, hoặc đại tràng, thay vì chỉ cần nội soi trong lòng ống tiêu hóa để gắp ra. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời nếu tăm có đầu sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng.

“Người dân cần lưu ý khi ăn uống, đặc biệt nên loại bỏ các thói quen như nhai xương, ngậm tăm. Khi vừa nuốt phải xương, tuyệt đối không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước với mục đích làm “trôi”, vì dị vật có khả năng gây tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa, dẫn tới nhiễm trùng và gây biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên đến BV thăm khám và thực hiện một số khảo sát hình ảnh để chẩn đoán. Những người đau khu trú, âm ỉ bụng, cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát để tìm rõ nguyên nhân và điều trị triệt để”, Th.S-BS Dương Bá Lập khuyến cáo.

 

Cẩn trọng hóc dị vật ở trẻ

Những năm gần đây, đến những địa điểm vui chơi trẻ em, ngoài các trò chơi như game, cầu trượt, vườn cổ tích, câu cá… còn rộ lên trò chơi “xúc hạt”, lắp ráp robot bằng các hạt nhựa nhỏ, xâu vòng... hoặc trò chơi dưới bãi cát đá nhân tạo. Nhìn vào khu vực chơi trò này, chúng ta thấy rất nhiều em nhỏ từ 2 - 6 tuổi. Chủ yếu là trẻ tự chơi còn bố mẹ ngồi bên ngoài quan sát hoặc xem điện thoại.

Tuy đây là những trò chơi thú vị nhưng nếu không để ý sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm. Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm, hoặc ném qua lại khi chơi cùng nhau. Dị vật bị rơi vào đường thở khi trẻ hít vào mạnh hoặc sau một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi... Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như hạt đậu, bắp, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.

TS-BS TRỊNH HỒNG NHIÊN, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi đồng TPHCM

Tin cùng chuyên mục