Giải pháp từ những bất cập
9 năm trước, anh Phát chân ướt chân ráo xin làm việc tại Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân. Nghĩ mình chuyên môn ngành điện vào làm cấp nước thì phải cố gắng nhiều hơn, vậy là ngoài giờ làm, anh Phát theo công nhân ra công trường để tìm hiểu công việc, cách vận hành các thiết bị. Chính những va chạm với thực tế tại công trường đã giúp anh nhận diện được những bất cập trong công việc cũng như khó khăn của anh em. Anh bắt đầu mày mò tìm giải pháp khắc phục.
Một lần, anh Phát tham gia vệ sinh hầm chứa đồng hồ tổng (DMA) dưới lòng đất với các pilot dùng để tăng, giảm áp lực nước, thấy công nhân làm việc trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, nguy hiểm, anh đã suy nghĩ để rồi đưa ra sáng kiến “Thay thế thiết bị điều khiển bằng 2 bộ pilot gắn song song”. Với sáng kiến này, anh đề xuất dời các pilot lên tủ tín hiệu DMA đặt trên mặt đất, đồng thời gắn các timer - một thiết bị điều khiển hẹn giờ, thay thế các regulo nhập từ nước ngoài, để có thể tự động mở van duy trì áp lực nước theo ý muốn.
Sáng kiến này đã giúp tự động hóa hoàn toàn công đoạn vận hành mở lớn/nhỏ pilot (trước đây phải cần 5 - 7 người và phải che chắn đường), giảm nguy hiểm cho công nhân phải thực hiện vặn pilot vào mỗi ngày để điều chỉnh áp lực nước.
Chỉ tính riêng việc nghiên cứu các timer để thay thế các regulo nhập khẩu (có giá 160 triệu đồng/bộ), sáng kiến của anh Phát đã giúp công ty tiết kiệm được 12,6 tỷ đồng khi thay thế toàn bộ 75 DMA tại đơn vị. Không chỉ vậy, anh còn nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Sử dụng nguồn năng lượng xanh để vận hành tủ tín hiệu DMA”. Giải pháp này đã dùng nguồn năng lượng mặt trời thay thế nguồn cung cấp pin để không chỉ tối ưu hóa chi phí mà còn giúp bảo vệ môi trường khi không phải thải bỏ nguồn pin hết năng lượng.
“Khi thấy các bất cập trong công việc, tôi chỉ suy nghĩ làm sao để thực hiện tốt hơn. Rồi tôi tận dụng mọi khả năng hiện có về nhân lực, vật tư để đưa ra cải tiến. Tôi không quan trọng sáng kiến lớn hay nhỏ, miễn tiết kiệm cho công ty và anh em công nhân đỡ cực là tôi làm”, anh Phát chia sẻ.
Anh Phát cũng là chủ nhân sáng kiến “Gia công pin nguồn sử dụng cho thiết bị truyền tín hiệu của đồng hồ tổng DMA”. Sáng kiến này ra đời từ thực trạng pin của các thiết bị đo lưu lượng đa phần nhập khẩu từ nước ngoài có chi phí cao và mất thời gian chờ nhập. Sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu các thông số kỹ thuật của pin chính hãng, anh đã cho ra mắt sản phẩm pin mới, tiết kiệm cho đơn vị gần 1,2 tỷ đồng cho mỗi đợt thay pin (thường 2 năm thay một lần).
Không ngại việc khó
Là người không ngại khó nên rất nhiều lần sau giờ làm việc anh Phát ở lại công ty để thay hàng loạt bóng đèn đã hư cũ. Thậm chí, những ngày cuối tuần, anh cũng đến công ty để hàn, cắt, ráp các thanh sắt làm lưới che mát sân để xe. Nhờ không ngại việc, chỉ sau một thời gian ngắn, anh Phát đã có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để làm việc trong ngành cấp nước. Đó cũng là tiền đề cho những sáng kiến, cải tiến được anh thực hiện.
“Nhiều người nói tôi làm việc nhiều chi cho khổ, nhưng với tôi, biết nhiều là hữu ích. Mình là người trẻ thì phải biết lăn xả vào công việc. Khi có đam mê thì phải biết bứt phá để biến nó thành hiện thực”, anh Phát tâm sự.
Ông Bùi Đức Sinh, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, đánh giá cao tinh thần làm việc cũng như các giải pháp thiết thực mà anh Phát đã mang lại cho đơn vị.
“Chúng tôi hay gọi Phát là người đa năng, bởi ngoài việc chuyên môn, Phát còn tích cực tham gia công tác đoàn thanh niên, công đoàn. Việc gì Phát cũng làm rất tốt. Các sáng kiến của Phát không chỉ góp phần hiệu quả cho khâu vận hành cũng như trong giảm thất thoát nước tại đơn vị, mà còn lan tỏa đến các đơn vị bạn. Đó còn là người rất nhiệt tình trong kèm cặp, hướng dẫn để đồng nghiệp tiến bộ hơn trong công việc”, ông Sinh nói.