Thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết, trường đã báo cáo lên Sở GD-ĐT TP để nắm thông tin sự việc. Hiện tại, nhà trường đang tập trung chăm lo cho các em học sinh gặp nạn. Thời điểm hiện tại, có 13 học sinh lớp 6/8 đã được đưa vào các bệnh viện trong khu vực, trong đó nhiều nhất là ở Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Cây phượng bị bật gốc giữa sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3)
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, từ cuối tháng 3-2020, Sở GD-ĐT TP đã có Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành giáo dục và đào tạo. Theo đó, Sở yêu cầu các trường chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người, tài sản và các công trình trường học. Theo đó, các trường phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
Bác sĩ theo dõi tích cực cho học sinh bị thương
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, sau khi nhận thông tin vụ việc, Trung tâm đã hỏa tốc cử lực lượng đến hiện trường. Theo đó, 1 học sinh được chuyển đến Bệnh viện An Sinh trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức, cấp cứu nhưng cháu không qua được nguy kịch, đã tử vong.
Cấp cứu học sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2
8 học sinh khác được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Sau sàng lọc bệnh, bác sĩ xác định, trong 8 bệnh nhân có 3 ca rất nặng, 5 trường hợp còn lại đang được theo dõi.
Các em hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong 8 học sinh nhập viện do bị cây đè hiện 4 học sinh đã được cho xuất viện điều trị ngoại trú. 4 học sinh còn lại, trong đó có 1 học sinh bị gãy xương đùi và 1 học sinh gãy xương cổ tay, 2 học sinh đang được tầm soát.