Thời gian qua, nhiều phương tiện từ nơi khác đến khu vực biển TPHCM, sử dụng thiết bị hút khối lượng lớn cát trong những khu vực dự án khai thác đã ngừng hoạt động, sau đó bán trục lợi. Cơ quan chức năng ráo riết ra quân vây bắt, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
3 ngày thu giữ gần 7.900m³ cát biển
Chiều 1-7, tại khu vực biển Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ, TPHCM), 2 sà lan HD-2043 và ĐN-0978 đang ra sức hút cát thì tổ tuần tra thuộc Đồn biên phòng Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) ập đến, vây bắt quả tang. Thấy Bộ đội Biên phòng, nhiều người trên sà lan hò nhau rút ống hút cát, định tăng ga bỏ chạy, nhưng không thành. Tổng khối lượng cát trên hai phương tiện là khoảng 840m³. Tiếp tục tuần tra, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phát hiện thêm sà lan ĐN-1079 đang di chuyển quanh địa bàn đơn vị quản lý. Giữ lại kiểm tra theo quy định, lực lượng chức năng xác định trên sà lan có khoảng 200m³ cát không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Trước đó, chiều 30-6, tại ngã ba kênh Nước Mặn (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ), Đồn biên phòng Long Hòa tiến hành kiểm tra 8 sà lan chở 5.155m³ cát biển chuẩn bị ra khỏi địa bàn TP. Trong quá trình đấu tranh, tổ tuần tra nghi ngờ 8 sà lan có hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa (thuộc vùng biển TPHCM), nên yêu cầu di chuyển về khu vực Trạm kiểm soát biên phòng Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) neo đậu, để phối hợp xác minh, làm rõ nguồn gốc khối lượng cát. Trạm kiểm soát biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ) cũng tạm giữ 1.700m³ cát biển trên 3 sà lan khác. Mỗi sà lan này có trọng tải từ 500 - 700 tấn.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng TPHCM phát hiện 12 sà lan vận chuyển cát, 2 sà lan khai thác cát trái phép trên tuyến biển TP; thu giữ gần 7.900m³ cát biển.
Lợi dụng dự án “chết”
Đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM), cho hay sau khi khai thác, các sà lan đợi thời điểm nước lên thì di chuyển, mang cát ra khỏi địa bàn TP để tiêu thụ. Đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, 14 chủ phương tiện đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số lượng cát có trên sà lan. Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP ra quyết định tạm giữ toàn bộ phương tiện và khối lượng cát biển do đơn vị đấu tranh phát hiện. Cán bộ, chiến sĩ đang ráo riết điều tra, xác minh từng cá nhân, tổ chức vi phạm, tiến hành xử lý theo quy định pháp luật. Đại tá Nguyễn Hồng Dũng nhấn mạnh: “Khi bị tạm giữ, những phương tiện kể trên đều trình các loại giấy tờ liên quan, giấy phép hoạt động trong một số dự án khai thác cát trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, những dự án này không còn hoạt động từ lâu. Vì thế, các loại giấp phép hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Phương tiện vi phạm chủ yếu từ tỉnh, thành khác (Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai) đến TPHCM hoạt động”.
Đại tá Nguyễn Hồng Dũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP về việc đấu tranh chống khai thác, vận chuyển cát trái phép, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP đã liên tục tổ chức lực lượng, phương tiện đấu tranh với hoạt động khai thác khoáng sản trên vùng biển, cửa khẩu cảng. Hiện hình thức xử phạt, mức chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi khai thác cát trái phép được quy định cụ thể tại Nghị định số 33/2017. Phương tiện vi phạm có thể chịu mức phạt từ 100 - 200 triệu đồng nếu khai thác từ 50m³ trở lên mà không có giấy phép. Hành vi khai thác khi giấy phép hết hạn hoặc trong thời gian tước quyền sử dụng giấy phép sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, hộ kinh doanh. Không chỉ vậy, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực mình khai thác.