Diện tích ngày càng… thu hẹp
Các tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau một thời là địa bàn trồng mía sôi động, nhưng nay tất cả nhà máy đường trên địa bàn đã đóng cửa, diện tích trồng mía gần như mất dấu. 10 năm trước, cây mía là cây trồng chủ lực của nông dân huyện Bến Lức và một số xã ở huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) với tổng diện tích lên đến 11.000ha.
Đến nay, phần lớn diện tích đất trồng mía được nông dân chuyển sang trồng chanh, thanh long, ổi... Không có nguyên liệu sản xuất, Nhà máy đường Hiệp Hòa ở Long An nhiều năm hoạt động cầm chừng, phát sinh nợ thuế, nợ tiền lương công nhân, dẫn đến khiếu nại. Đến nay, nhà máy này chính thức đóng cửa.
5 năm trước, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) có gần 10.000ha diện tích trồng mía, giờ đây còn chưa đầy 3.000ha. Tương tự, tại huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), từ 4.000ha vào năm 2015, nay còn khoảng 1.100ha… Nhiều nông dân ở miền Tây cho biết, nguyên nhân chính khiến bà con “quay lưng” với cây mía là do giá mía không ổn định.
Ông Thạch Đẹt (ấp Lưu Cừ 1, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết, gia đình ông nhiều đời gắn với cây mía, nhưng từ năm 2015 đến nay, ông chuyển toàn bộ 10.000m2 đất trồng mía sang làm lúa vì nhiều năm liên tục trồng mía bị lỗ.
“Dẫn đến tình trạng này là do nhà máy không có thỏa thuận, hợp đồng ước lượng giá, khối lượng mía sẽ thu mua từ đầu vụ với nông dân, trong khi chính quyền địa phương thì ngoài cuộc. Đến kỳ thu hoạch, nhà máy ép giá, hô bao nhiêu nông dân phải bán bấy nhiêu”, ông Đẹt chia sẻ.
Nông dân tỉnh Trà Vinh thu hoạch mía |
Ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), vùng mía nguyên liệu lớn trong những năm qua với gần 7.000ha, nay diện tích trồng mía giảm gần 2/3. Hầu hết nông dân ở địa phương này trồng mía để bán mía chục (thương lái mua và bán lại cho các vựa ép nước giải khát, hoặc lò nấu đường), không đặt kỳ vọng vào nhà máy đường.
Nông dân Hai Cường, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Cái được của bán mía chục là thương lái tự thuê nhân công đốn, mình không tốn công sức, chi phí thu hoạch. Chưa kể, có nhiều thương lái thu mua, không bán được cho người này thì bán cho người khác, không bị ép giá”.
Trước tình cảnh này, ngày 23-10, Ban giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp (nhà máy đường lớn nhất miền Tây, công suất ép 2.500 tấn mía/ngày) phải ra thông báo dừng hoạt động trong niên vụ 2023-2024. “Khi nhà máy ngừng hoạt động trong niên vụ 2023-2024, đơn vị sẽ chịu lỗ 26,5 tỷ đồng cho các chi phí về khấu hao nhà máy, giải quyết nhân sự nghỉ việc, bảo dưỡng, bảo vệ... Tuy nhiên, số lỗ này chỉ bằng 1/3 so với phương án tiếp tục hoạt động”, đại diện Ban giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp cho hay.
Cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bị thu hẹp, nhưng chính yếu là nông dân và các công ty mía đường chưa có liên kết trong sản xuất - bao tiêu sản phẩm. Thấy rõ tồn tại này, ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp ở tỉnh Sóc Trăng đang tăng cường, phát huy vai trò “cầu nối” để liên kết nông dân và công ty mía đường vào chuỗi sản xuất.
Sắp tới, địa phương sẽ tổ chức nhiều hơn các buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp, công ty, nhà máy đường với nông dân trồng mía. Mục đích là để các chủ thể này hiểu hơn về hoạt động của đối tác, có tiếng nói chung, và đi đến thỏa thuận, hợp đồng sản xuất - bao tiêu sản phẩm, khi đó tình trạng ép giá sẽ khó xảy ra. Đồng thời, khi cùng tham gia các buổi gặp gỡ này, chính quyền, ngành nông nghiệp cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ người dân, công ty mía đường, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong chuỗi sản xuất.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), niên vụ mía 2022-2023, nông dân có lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vụ sản xuất mía thứ 2 có lãi sau 5 niên vụ thua lỗ nặng nề liên tục. Khó khăn chung của cây mía hiện nay là khâu cơ giới trong sản xuất, thu hoạch chưa được áp dụng đồng bộ, phần lớn sử dụng sức lao động là chính nên chi phí tăng cao.
Để mở rộng diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn, thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch hệ thống giao thông phục vụ sản xuất, tổ chức lại sản xuất, thành lập hợp tác xã, tổ chức các đội sản xuất để giảm giá thành, tăng thu nhập người trồng mía.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng Sosuco), cho biết, tình trạng “tranh mua tranh bán” giữa các nhà máy đường vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là việc tranh mua theo kiểu “phá giá” dẫn đến liên kết giữa người dân và doanh nghiệp bất ổn, thiếu bền vững. “Một khi nhà nước không có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này, ngành mía đường rất khó phát triển”, ông Hiếu nói.