Sáng kiến này của nhóm kế thừa 9X đã đưa quán cơm đến với nhiều người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện tại, mọi hoạt động ở quán vẫn đảm bảo 5K với hàng ngàn suất cơm từ thiện...
Trả nợ tình người
Đến quán cơm 2.000 đồng (nằm trong hẻm số 14 đường Ngô Quyền, phường 5, quận 10, TPHCM), trò chuyện với các nhân viên đang cẩn thận múc cơm canh, thức ăn đóng vào hộp, chúng tôi mới biết đa phần trong số họ là những người có ít nhiều ân nghĩa với điểm hoạt động từ thiện này.
Mai Trâm, cô gái nghèo ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết: “Cách đây hơn 5 năm, em bị bệnh lao cột sống. Nhà nghèo không có tiền điều trị, em nghĩ mình chỉ nằm chờ chết. May sao, đúng lúc đó, chú Sáu Ánh (ông Nguyễn Hồng Ánh, quản lý quán cơm 2.000 đồng - PV) tìm đến nhà và cho biết nhóm “Người tôi cưu mang” hỗ trợ em toàn bộ chi phí phẫu thuật. Em như được sống lần thứ hai! Sau phẫu thuật, mấy chú còn trang bị cho em xe lăn có động cơ để đi bán vé số”.
Cứ ngày nào quán cơm mở cửa (quán hoạt động vào các ngày lẻ trong tuần) là đúng 8 giờ 30 sáng, Mai Trâm lại đến để phụ chuẩn bị các suất ăn. Trâm nhận thêm nhiệm vụ chuyển 20 phần cơm cho các bạn đồng cảnh ngộ ở cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chánh Hưng…
Có mặt ở quán vào giờ cao điểm, chúng tôi cảm nhận rõ tinh thần thiện nguyện của mọi người tham gia. Hôm chúng tôi đến, quán phục vụ món thịt kho cải chua, mướp xào lòng heo và chuối tráng miệng. Cô Nguyễn Thúy Hương (giảng viên Khoa Toán, Trường Đại học Bách khoa, TPHCM) vừa múc cơm, gắp thức ăn vào hộp vừa kể: “Tôi tham gia nhiều năm nay rồi. Hôm nào không có tiết dạy, tôi đến đây phụ các bạn trẻ. Xong việc ở đây, tôi còn chuyển 30 suất cơm cho người nghèo ở chợ Nguyễn Tri Phương. Giờ này họ bắt đầu ngóng rồi!”.
Bếp nhà yêu thương
Đang luôn tay tráng rửa chồng khay đựng thức ăn, ông Sáu Ánh góp chuyện: Thời điểm này, chúng tôi không thu 2.000 đồng mỗi suất cơm của người nghèo nữa. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người thất nghiệp dài ngày, đến vài ngàn đồng họ cũng chẳng còn, bởi vậy chúng tôi quyết định phục vụ bà con miễn phí. Nhờ sáng kiến của các bạn trẻ mà mùa dịch vừa rồi, quán cơm vẫn mở cửa và hoạt động rất hiệu quả qua “Bếp nhà yêu thương”. Bình thường, chúng tôi phục vụ 300 suất cơm, nhưng từ khi vận dụng mô hình mới, công suất đã tăng lên gấp nhiều lần. Có ngày, quán phục vụ cho người nghèo đến 1.700 suất. Mô hình này rất thiết thực, thật sự là “cây lành kết trái ngọt”.
Khoảng thời gian tăng cường giãn cách xã hội, bếp không chỉ cố định tại quán mà tỏa ra nhiều nơi. Bất cứ nơi nào các bạn sinh viên liên hệ được thì đặt bếp ở đó. Anh Lê Tuấn Tú (thủ kho kiêm trưởng nhóm chế biến thức ăn, nhà ở phường Thạnh Lộc, quận 12) nhớ lại: “Khi học tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, tôi là khách quen của quán. Sau này ra trường, ổn định công việc, tôi tranh thủ trở lại quán phụ giúp. Thời điểm dịch bệnh, tôi ở luôn tại quán để kịp phục vụ nhu cầu của bà con. Bếp ăn liên tục tăng công suất, bà con địa phương cũng nhiệt tình tham gia, chung sức chế biến suất cơm miễn phí phục vụ đội ngũ tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong mùa dịch”.
Ông Sáu Ánh trải lòng: Quán cơm cũng như các hoạt động thiện nguyện tồn tại và phát triển được đến giờ là nhờ sự minh bạch. Mọi hoạt động đều được công khai trên trang web Người tôi cưu mang. Hiện nay, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ các cháu mồ côi do đại dịch.
Từ trang web Người tôi cưu mang của các nhà hảo tâm trên cả nước và nước ngoài, quán cơm 2.000 đồng đã hình thành, đi vào hoạt động từ năm 2008 ở cư xá Lữ Gia. Năm 2009, quán dời về hẻm 14 đường Ngô Quyền, quận 10, TPHCM. Căn nhà này do một thành viên trong nhóm cho mượn từ lúc đó đến nay. Tháng 12-2010, nhóm mở thêm quán cơm ở TP Cần Thơ. Năm sau đó có thêm một quán tại TP Đà Lạt. Hẻm 14 đường Ngô Quyền là hẻm cụt và nhỏ. Buổi sáng, đến giờ quán hoạt động, cư dân trong hẻm tự nguyện nhường mặt bằng trong hẻm cho nhóm, thậm chí đưa xe vào nhà, để quán cơm có chỗ bày bàn ghế đón khách đến ăn. |