Có những ý kiến rất thẳng thắn và coi sự việc là hoàn toàn bình thường, kiểu như “Cây dại thì chặt đi, tiếc gì! Chặt đi rồi trồng cây khác giá trị hơn, đẹp hơn và lãng mạn hơn...”. Lại có ý kiến phản biện ngược chiều, cây dù mọc dại nhưng không ảnh hưởng đến ai, trái lại còn tạo thành một điểm check-in của giới trẻ, việc chặt phá kia rõ ràng là hành động phá hoại.
Cùng thời điểm, một câu chuyện liên quan khác diễn ra, người dân, du khách “kêu cứu” khi cây cô đơn trên đảo hoang Koh Khai Hua Roh, tỉnh Trat (Thái Lan) do quá nhiều du khách trèo lên khiến các cành nhỏ bị gãy, lớp vỏ bong tróc và thân cây bị nghiêng. Đây là một trong những địa điểm check-in nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách dù đảo chỉ có diện tích vỏn vẹn vài mét vuông và có độc nhất 1 cái cây. Để bảo vệ cây, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch hạn chế du khách.
Trên thế giới, có rất nhiều cây cô đơn nổi tiếng. Vì đứng biệt lập, những cây cô đơn dễ gây chú ý chỉ sau vài bức hình đăng tải trên mạng xã hội. Và nhiều cây trong số đó có sức hút đặc biệt, thậm chí thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài. Ở Việt Nam, cây thông cô đơn bên hồ nước ở huyện Lạc Dương (Đà Lạt) hay cây vông đồng ở làng Hà Cảng (Huế) cũng là địa điểm check-in lý tưởng, thu hút rất nhiều bạn trẻ.
Cây thông ở Đà Lạt từng xuất hiện trên phim hay trong các MV ca nhạc của các ca sĩ Ngô Kiến Huy, Hà Anh Tuấn… Trong khi đó, cây ngô đồng ở Huế còn được đặt tên mới “cây Mắt biếc” sau khi bộ phim cùng tên ra mắt. Trước khi bị đốn hạ làm củi, “cây phong ba” ở Lảo Thẩn (Lào Cai) cũng là một điểm đến hấp dẫn.
Cây cô đơn là món quà đặc biệt của tự nhiên. Và, nó đã không còn cô đơn khi có rất nhiều người đến chụp hình theo trào lưu sống ảo của cộng đồng mạng hoặc trở thành nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật. Trong không ít trường hợp, nó đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng, thậm chí là cột mốc của địa điểm ấy. Cây cô đơn ở Hồ Tây có thể chỉ mới nổi thời gian gần đây nhưng cũng tạo nên nét chấm phá.
Trong mắt nhiều người, những cây cô đơn có thể chỉ là “công cụ sống ảo”. Nhưng sự tồn tại của nó là vô hại, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ngược lại còn tạo ra những giá trị về tinh thần. Nếu biết tiếc cho một cái cây, mỗi người trẻ hãy ý thức hơn trong việc bảo vệ cảnh quan. Nếu không thể bảo vệ, cũng xin đừng phá hoại.