Nhiều người dân ở vùng nước lợ, vùng thường xuyên bị mặn xâm nhập đang tiến thoái lưỡng nan để tìm cây trồng thích nghi. Thế nhưng, người dân ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn áp dụng trồng cây khóm trên đất trũng phèn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Trồng khóm đầu tư vốn vừa phải nhưng thu lợi nhuận hàng năm ổn định hơn so cây lúa rất nhiều. Trung bình một công khóm thu lãi được từ 9 - 10 triệu/năm, gấp 4 lần lúa. Hơn nữa, đây là vùng đất phèn nên khóm rất ngọt, được người mua ưa chuộng”, bà Trương Thị Gọn ở ấp Tân Lộc cho biết. Bà Gọn là một trong những người đi đầu trồng khóm ở xã. Theo bà Gọn, năm 2009, gia đình bà trồng 5 công khóm, sau hơn một năm thì cho thu hoạch. Thấy có hiệu quả, năm 2017 bà mở rộng thêm 3ha diện tích khóm.
Cùng suy nghĩ, anh Trần Thanh Sang cùng ngụ ấp Tân Lộc, cho biết: “Thấy nhiều người trồng xóm có hiệu quả nên tôi cũng trồng theo. Lúc đầu tôi chỉ trồng 3 công, sau đó trồng thêm 2 công nữa. Trừ các khoản chi phí, thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm. Tôi đang dự định chuyển diện tích 5 công trồng hoa huệ kém hiệu quả sang trồng khóm. Với khóm, mình chủ động các đợt trái để thu hoạch. Ngoài ra, thu hoạch được nhiêu là bán hết, không bị tồn. Hiện giá khóm khoảng 12.000 đồng/trái đối với loại 1 (trái to, đẹp) và tương đối ổn định từ trước Tết Nguyên đán đến nay”.
Theo nhiều nông dân ở xã Lâm Tân, đối với đất phèn trồng lúa hay trái cây, mía đều trụ không nổi, chỉ có cây khóm là thích ứng tốt và còn có thể chịu được mặn. Cây khóm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản. Sau khi trồng khoảng 14 - 18 tháng, khóm sẽ cho thu hoạch quanh năm. Ở đất có độ mặn cao, một vườn khóm có thể cho thu nhập đến 10 năm, còn ở đất phèn có độ mặn thấp thì vườn khóm cho thu hoạch từ 5 - 7 năm.
Ông Liêu Sơn Nhì, Chủ tịch UBND xã Lâm Tân, nói: “Cây khóm bén duyên trên vùng đất trũng phèn ở xã Lâm Tân đã được 8 năm. Qua thời gian theo dõi, bước đầu đánh giá đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có trường hợp sâu bệnh nặng, chi phí đầu tư thấp… Thời gian tới, nếu tập hợp đủ dân, xã sẽ mở lớp tập huấn và hỗ trợ cho người dân vay vốn, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng khóm”.
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang có khoảng 19 mô hình khuyến nông có hiệu quả, trong đó huyện Thạnh Trị đang triển khai 6 mô hình. Từ khi phát hiện mô hình trồng khóm trên vùng đất trũng phèn đạt hiệu quả, huyện đã chủ trương vừa quan sát, vừa hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, vừa chủ động nhân rộng mô hình ở những vùng phèn, mặn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trang Nhã, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Trị, cho biết: “Trước đó, người dân trên địa bàn trồng theo kiểu tự phát, lấy giống từ Tắc Cậu (Kiên Giang) về trồng. Cách đây gần 3 năm, huyện ghi nhận mô hình, thấy bước đầu có hiệu quả nên đầu tư trên 3ha về vốn và giống cho người dân. Bước đầu nhận thấy giá khóm ổn định, người dân đều có lãi, huyện sẽ nhân rộng ra trên địa bàn ở hai xã Lâm Tân và Thạnh Tân”.