Hiện nay, cây dừa được trồng hầu hết trên khắp cả nước với gần 200.000ha và đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân. Dự kiến đến năm 2024, cây dừa đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm và còn cao hơn trong những năm tiếp theo. Do đó, hiệp hội cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch nông nghiệp tiến hành khảo sát 7 tỉnh thuộc ĐBSCL trồng dừa để chuẩn bị cho Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam |
Năm 2022, hiệp hội có 112 hội viên, gồm 46 doanh nghiệp, 2 tổ chức và nông dân. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa và sản phẩm liên quan đến dừa đạt gần 1 tỷ USD. Năm 2023, trái dừa được xuất chính ngạch vào thị trường Mỹ và một số nước châu Âu, Trung Quốc đang xem xét cho trái dừa nhập khẩu.
Hiện nay, cả nước có 90 doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ tại Tây Ninh, Hậu Giang, Long An Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định để hướng đến xuất khẩu. Trong đó, có khoảng 15 trang trại trồng dừa chuyên canh có diện tích trên 100ha.
Hiệp hội ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028 |
Nhằm nâng cao giá trị cây dừa, hiệp hội cùng Bộ Công Thương xây dựng thương hiệu và bộ nhận diện cho ngành dừa Việt Nam với mục tiêu định vị thương hiệu, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về thực phẩm Việt Nam. Ngoài ra, hiệp hội đưa sản phẩm dừa Việt Nam tham gia Hội chợ thực phẩm tại Pháp, Ý và Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ này, hiệp hội phối hợp Cục bảo vệ thực vật, Viện cây ăn quả Miền Nam tổ chức chương trình phòng ngừa dịch bệnh cho cây dừa, hạn chế làm ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch và sản lượng tiêu thụ, ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm từ dừa của Việt Nam.