Cái ăn cho mùa giáp hạt
Những ngày này vào các năm trước, bà con bản Ka Ai (xã Dân Hóa) nhiều người qua Lào làm ăn, nhưng năm nay vì dịch Covid-19 nên người dân ở lại. May mắn đúng vào mùa lấy cây đót, không ai bị thất nghiệp.
Chị Hồ Thị Đút (bản Ka Ai) vừa ra khỏi cửa rừng với 2 bó đót to tướng, khoe: “Mỗi bó nặng 50kg, 2 bó này bán được 500.000 đồng. Vì dịch bệnh nên ở nhà đi lấy đót bán cho người ta. Cả tháng cũng được 15 triệu đồng, nhà nào đông người thì tiền nhiều hơn”. Anh Hồ Đòm kể thêm: “Nhà tui có 3 người khỏe mạnh, mỗi ngày đều vô rừng sâu kiếm đót, mỗi người một ngày thu được 1 tạ, 3 người là có 1,5 triệu đồng. Làm cả tháng cũng ổn lắm. Có tiền mua gạo, con cái đang ở nhà mùa dịch được mua thêm đường sữa, thức ăn. Ban đầu đi lấy đót dễ vì gần, giờ ở gần hết, phải đi xa luồn rừng rất vất vả. Nhưng mùa dịch không có việc gì, cây đót đang giúp bà con dân bản có nguồn thu nhập ổn định lắm”.
Thương lái Đinh Trọng Trường, thu mua đót của bà con nói: “Trung bình mỗi ngày tôi thu mua khoảng 1 tấn đót, sau đó bán cho thương lái dưới xuôi để họ bán lại cho các cơ sở sản xuất chổi đót. Điểm thu mua của tôi đặt ngay cửa rừng nên rất thuận tiện cho cả người mua và người bán”.
Không riêng gì bản Ka Ai, những ngày này, các bản làng khác của xã Dân Hóa và Trọng Hóa, bà con đều lên rừng hái đót cho kịp thời vụ. Dân bản coi cây đót là lộc trời ban tặng cho người Khùa, người Mày ở dưới chân dãy núi Giăng Màn. Bởi vùng đất này có những vạt rừng đót dài ngút tầm mắt, lại trổ bông đúng vào dịp giáp hạt, khi bà con cần tiền sắm gạo chống đói rất hữu ích.
Thu hoạch nhanh, bán được giá
Lớn lên với những mùa đót, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho biết: “Trước đây cây đót nhiều lắm, nhưng những năm gần đây, do bà con phát triển trồng rừng kinh tế nên diện tích cây đót cũng thu hẹp dần. Tuy nhiên, địa hình ở Trọng Hóa có nhiều vùng đất đồi dốc cao, xa khu dân cư, nếu trồng keo thì chi phí cao và rất khó khăn cho việc thu hoạch. Qua khảo sát thực tế, xã đang có kế hoạch hỗ trợ bà con triển khai trồng đót trên những diện tích rừng còn trống. Hơn nữa, cây đót có giá trị, nếu trồng quanh năm thì cho thu hoạch tốt, còn đót tự nhiên thì chỉ vào mùa cuối năm và đầu năm”.
Hiện tại, xã Trọng Hóa đã có 4 hộ trồng đót trên diện tích đất rừng được giao, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. Gia đình ông Hồ Chăn (ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa) đã trồng đót và hiện đã thu hoạch được vụ thứ 2. Ông Chăn cho biết: “Trung bình mỗi bụi đót chiếm khoảng 1m2 đất, cho thu hoạch 3 - 5kg đót. Trồng keo bỏ công sức rất lớn, mất nhiều năm mới thu hoạch, còn trồng đót chỉ tốn công ban đầu, rất ít công chăm sóc và đặc biệt là không sợ bị bão quật gãy đổ như cây keo, lại cho thu hoạch nhanh và bán được giá”.
Còn bà Hồ Thị Thoi nói: “Từ thực tế một số mô hình trồng đót của bà con cho thấy, đót là cây bản địa rất phù hợp với đặc điểm khí hậu vùng cao Trọng Hóa và cho thu nhập khá cao nên địa phương đang khuyến khích mở rộng diện tích trồng đót trong thời gian tới, nhằm thoát nghèo và tiến tới làm giàu cho địa phương”.
Lãnh đạo xã Dân Hóa cũng đang có kế hoạch triển khai cho người dân trồng đót trên một số diện tích đất rừng cao, dốc, nơi không thể trồng rừng nguyên liệu và các loại cây trồng khác. Một số hộ dân trồng đót đã có thu nhập bền vững, có hộ làm nhà mấy trăm triệu đồng cũng từ cây đót.
Trong nghị quyết phát triển kinh tế 2 xã Trọng Hóa, Dân Hóa, cây đót được xem như cây thoát nghèo bền vững, nó đang được kỳ vọng giúp người Mày, người Khùa phát triển về kinh tế.