Tối 18-11, tại Hà Nội, đã diễn ra Chương trình Thay lời tri ân năm 2022, đây là chương trình thường niên do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sản xuất nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Chương trình Thay lời tri ân 2022 có Chủ đề Cây đời trăm năm, lấy ý tưởng từ những câu thơ của một cô giáo:
“Nghề ươm trồng Cây Phúc
Bắt rễ giữa vườn Trần
Hạt giống đời nảy Lộc
Sáng muôn đời chữ Tâm”.
Nội dung trong chương trình là những hình ảnh, tấm gương, câu chuyện truyền cảm hứng, xúc động, đáng khâm phục về những người thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, họ là những người tận tâm, tận tụy với nghề và lúc nào cũng nghĩ đến những học sinh yêu quý, những đứa con tinh thần của mình.
Đó là cô Nguyễn Thị Hà (Trường THPT Phan Đình Giót, tỉnh Điện Biên) - người tận tâm, tận tụy với nghề, hết lòng vì những học sinh yêu quý, trở thành người mẹ thứ hai của nhiều học sinh vùng sâu vùng xa của Điện Biên.
Thấy nhiều học sinh vùng sâu nghèo, khó khăn, cô Nguyễn Thị Hà đã lên ý tưởng đỡ đầu cho các em. Đến nay, cô đã đỡ đầu được 26 em, em bé nhất là 4 tuổi và em lớn nhất là 18 tuổi.
Trong chương trình, 2 học sinh được cô Hà đỡ đầu đã bày tỏ tình cảm, sự biết ơn đến cô giáo - người mẹ đỡ đầu của mình. Giàng A Say chia sẻ, “Cô là người đầu tiên tặng em áo ấm mùa đông, mua sách đi học, chăm sóc em như con cái. Cô chính là người mẹ thứ 2 của em”.
Đó còn là cô giáo ở Yên Bái, Đỗ Thùy Quyên (36 tuổi) - người đưa giáo dục STEM đến vùng cao. Đã 17 năm gắn bó với nghề giáo trên vai trò là giáo viên mầm non, cô đã dành rất nhiều thời gian với trẻ em Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.
Từ năm 2018, khi tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft, cô Quyên có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc. Cô giáo đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học “xuyên biên giới”. Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Chương trình cũng được lắng nghe câu chuyện của PGS-TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường đại học Bách Khoa Hà Nội).
PGS-TS Tạ Hải Tùng có gần 7 năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Trong thời gian đó, ông đã nghiên cứu, làm việc ở các đại học, Viện nghiên hàng đầu như Đại học Bách khoa Torino, Viện Nghiên cứu Cao cấp Mario Boella (CH Italia); Đại học New South Wales (Australia) nhưng thầy đã chọn về nước, một lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà dù đã nhận được một số lời mời ở lại làm việc.