Cây cầu của những ký ức

Tôi không sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Với tôi, cho dù có sống toàn bộ phần còn lại cuộc đời ở đây thì vẫn chỉ là một người ở trọ. Cái tâm thế “ở trọ” ấy nó khiến tôi yêu Hà Nội một cách thận trọng và rụt rè. Cũng cái tâm thế ấy khiến tôi nhìn Hà Nội một cách điềm tĩnh.

Tôi ở cạnh cầu Long Biên, bên kia sông...

Tôi thích sông. Dù là những dòng sông xa lạ thì cái dòng chảy miệt mài bàng quan yên ắng của nó cũng luôn khiến tôi phần nào bớt nhớ quê nhà, cái vùng quê cũng có một con sông chảy qua mà tôi lớn lên bên cạnh. Sông Hồng thì lớn hơn nhiều, cả về diện mạo, cả về sức ảnh hưởng tới những làng mạc phố xá suốt dọc hai bên bờ. Sông Cái mà.

Tôi cũng thích những cây cầu

Những cây cầu luôn là ước mơ của bao nhiêu kiếp người sinh ra, lớn lên, mất đi hai bên bờ sông quê tôi. Thuở nhỏ, tôi có mấy đứa bạn ngày ngày phải đi đò qua sông để đến trường. Hôm nào cô lái đò nghỉ ốm thì mấy đứa tự chèo mảng sang. Những cái mảng nứa mỏng manh như chiếc lá dập dềnh qua sông, mấy đứa trẻ thì giống y mấy con kiến càng bậu trên chiếc lá ấy. Nước sông mùa lũ đục ngầu.

J3b.jpg
Cầu Long Biên. Ảnh: QUANG PHÚC

Lan man thế chỉ để nói rằng, hóa ra tôi đã chọn cách sống ở thành phố xa lạ này bằng cách tìm một nơi chốn, địa điểm có những thứ gợi nhắc tôi những hình ảnh quê nhà xa ngái.

Sau hơn hai thập kỷ, Hà Nội không còn xa lạ với tôi nữa. Ít nhất tôi đã thuộc tính nết của nó, thẩm thấu được phần nào những nét đẹp của nó cả xưa cũ lẫn hiện tại. Tôi cũng dần yêu thương và biết ơn thành phố này.

Tôi thường làm việc ở nhà, lúc giải lao lại ra ngồi bên ô cửa nhìn xuống dòng sông. Sông Hồng vừa qua một cơn lũ lớn. Những hôm ấy nước tràn về từ thượng nguồn, mực nước dâng lên từng giờ một. Và đây là lần đầu tiên, trừ những ngày tháng đại dịch Covid-19, cầu Long Biên bị cấm lưu thông cả hai chiều. Vắng tiếng còi tàu, vắng tiếng xe cộ, chiếc barie dựng lên lạnh lẽo, những bóng nhân viên công vụ đi đi, lại lại. Một cây cầu ở phía thượng nguồn vừa mới đổ sập trong cơn lũ lớn, ai ai cũng cảm thấy lo lắng cho cây cầu già nua đã hơn 100 tuổi ngày nào cũng oằn lưng cõng cả ngàn lượt người xe qua lại. Tôi đứng trước cái barie, bất giác nghĩ: Chúng ta có thể bảo toàn tính mạng cho con người bằng cách cấm lưu thông qua cầu, nhưng chúng ta liệu có nghĩ tới bảo toàn tính mạng cho cây cầu?

Một nỗi gì đó nghẹn ngào trào lên.

Mấy chục năm về trước, bác ruột tôi đã từng là một đốc công phụ trách việc sửa sang cầu Long Biên thời Pháp thuộc. Khoảng một thập kỷ sau đó, em trai ông, tức bố tôi, trong chiếc áo trấn thủ lại đi qua cây cầu này vào tiếp quản thủ đô. Nếu tìm một sợi dây nào đó để kết nối tôi với thành phố này, thì chỉ có như vậy. Mỏng manh nhưng thiêng liêng.

Sau năm 1954, bố tôi hành quân vào Quảng Bình, huấn luyện để sẵn sàng vào Nam khi có lệnh. Rồi ông phục viên, về quê, lên miền núi lập nghiệp. Cuối đời lại rời miền núi về Hà Nội để được gần con cái và gần... bệnh viện. Thỉnh thoảng đón bố sang chơi, ông lại xuống cầu Long Biên đi dạo. Tôi có cảm giác những ký ức nằm rất sâu trong tâm trí ông giống như những đốm lửa, nhỏ nhưng lấp lánh.

Hà Nội đã bước vào mùa thu thứ 70 kể từ cái ngày 10-10-1954 ấy. Đã có bao nhiêu đổi thay ở hai bên bờ sông này. Bao người mất đi và bao người mới ghi danh vào cuốn sổ nhân khẩu. Nhưng số người mất đi có lẽ đã nhiều hơn số người mới đến. Dòng sông vẫn miệt mài chảy, cây cầu cũ kỹ già nua mỏi mệt vẫn kẽo kẹt gánh bao nhiêu chuyến tàu, bao nhiêu xe cộ. Có thể đến một lúc nào đó, người ta sẽ cho nó nghỉ ngơi, để nó chỉ còn là một thứ gì đó lưu giữ rất nhiều ký ức, cả bi thương và hạnh phúc, gắn liền với Hà Nội. Tôi mong là mình còn sống ở nơi này đến lúc ấy, để được ngắm nhìn cây cầu đầy vết rỉ sét yên lặng thảnh thơi ngày ngày đón những cơn gió hàng triệu năm tuổi thổi qua. Và rồi, những con chim sẻ “phố ta” trong thơ Lưu Quang Vũ sẽ tha hồ làm tổ trong những cái hốc nhỏ chon von trên cao.

Hà Nội đang đổi thay về diện mạo, nhưng tôi tin Hà Nội không đổi thay trong trái tim những người yêu Hà Nội, bao gồm cả tôi.

Tin cùng chuyên mục