Theo ông Thavisin, cây cầu này sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh, đảm bảo an ninh năng lượng và đưa Thái Lan “lên bản đồ của một số quốc gia muốn sử dụng Thái Lan làm cơ sở sản xuất để xuất khẩu”.
Dự án cầu cạn gồm việc phát triển các cảng ở tỉnh Ranong trên bờ biển phía Tây và tỉnh Chumphon trên bờ biển phía Đông, cùng với việc xây dựng đường cao tốc và đường sắt dành riêng cho vận chuyển hàng hóa.
Một nghiên cứu do chính phủ tiền nhiệm tiến hành đã xác định các địa điểm xây dựng cả 2 cảng gồm một cảng tại mũi Laem Riew ở tỉnh Chumphon bên vịnh Thái Lan và một tại mũi Laem Ao Ang ở tỉnh Ranong trên bờ biển Andaman. Cây cầu này có thể giúp giảm bớt lưu lượng giao thông ngày càng tăng ở eo biển Malacca, nơi chiếm tới 60% lượng xăng dầu được vận chuyển bằng đường biển trên thế giới.
Eo biển Malacca thường xuyên xảy ra tai nạn do ùn tắc, tàu chuyên chở container phải chờ rất lâu để qua luồng biển. Với lượng container dự kiến đi qua eo biển này sẽ tăng lên trong 10-15 năm tới, tình trạng tắc nghẽn có thể còn tồi tệ hơn, việc vận chuyển dầu sẽ gặp khó khăn. Thủ tướng Thái Lan khẳng định cây cầu có thể giúp đẩy nhanh năng lực xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại nước này; đồng thời dự án sẽ thu hút đầu tư từ một số nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Theo truyền thông Thái Lan, dự án có thể tạo ra 280.000 việc làm tại địa phương và công suất vận chuyển hàng năm dự kiến đạt 10 triệu container sau khi hoàn thành. Khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, Đông Nam Á đã trở thành điểm thu hút sự chú ý và đầu tư do chi phí sản xuất thấp hơn cùng dân số đông, lên tới hơn 600 triệu người. Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ lo ngại đánh giá môi trường và thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh nông nghiệp hiện tại có thể là trở ngại cho việc xây dựng. Ngoài ra, vốn đầu tư cũng là một vấn đề bởi giới đầu tư mạo hiểm khá thận trọng với tình hình kinh tế hiện tại.