Chương trình diễn ra tại 3 điểm cầu: Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân (phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM); Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và Khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Dự tại điểm cầu TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Trương Hòa Bình, Thường trực Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương; Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ.
Dự tại điểm cầu Đồng Tháp có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thị Nghĩa.
Dự tại điểm cầu Thanh Hóa có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève ngày 21-7-1954.
Sau khi Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng. Đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang tầm nhìn chiến lược của Đảng ta nhằm bồi dưỡng đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Chương trình cầu truyền hình gồm 3 phần: Phần 1 là sự gặp gỡ các nhân chứng với những hồi ức về những lời nhắn gởi ngày chia tay...; phần 2 kể về ký ức một hành trình và sự đón tiếp nghĩa nặng tình sâu của đồng bào miền Bắc mà địa điểm đầu tiên là Thanh Hóa, thể hiện là một hậu phương lớn đón tiếp những người con miền Nam bằng cả trái tim; phần 3 là những thước phim về hành trình tiếp nối của những hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Tại chương trình, khán giả đã được gặp gỡ và giao lưu cùng các chứng nhân lịch sử; xem lại những đoạn phim tư liệu về dấu son lịch sử đã qua và chứng kiến khoảnh khắc trao lại những bộ hồ sơ, kỷ vật đi B cho đại diện các gia đình.
Câu chuyện của nhà giáo Lê Minh Ngọc - Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM là ký ức không thể nào quên khi lần đầu được gặp Bác Hồ. Là con của liệt sĩ, được chọn tập kết ra Bắc năm 12 tuổi, ở tuổi 82, bà vẫn nhớ như in lần được gặp Bác Hồ vào năm 15 tuổi. Bà cho biết, khi nhận được tin không hiểu sao mình lại có hạnh phúc lớn lao đó.
“Khi nhìn Bác, tôi như thấy hình ảnh người ông của mình ở miền Nam. Đến bây giờ tôi càng thấm thía vì sao miền Nam luôn trong trái tim Bác. Ở tuổi 82, những ký ức vẫn khắc sâu trong trái tim tôi. Tôi vẫn nhớ lời Bác: Cháu nhớ miền Nam, nhớ nhà càng nhớ càng phải học giỏi, tu dưỡng tốt để sau này về miền Nam phục vụ”, bà chia sẻ.
Hay khoảnh khắc xúc động khi bà Trần Thị Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, trực tiếp trao lại những bộ hồ sơ, kỷ vật “đi B” (cán bộ, chiến sĩ miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu) cho đại diện 3 gia đình: nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Tại điểm cầu Đồng Tháp, đại diện Sở Nội vụ tỉnh cũng trao lại kỷ vật "đi B" cho bà Hồ Thanh Thủy, con gái liệt sĩ Hồ Hữu Huy.
Bà Trần Thị Việt Hoa cũng thông tin, trung tâm đang lưu giữ khoảng 72.000 hồ sơ của cán bộ "đi B", trong đó có những cán bộ tập kết ra Bắc.
Chương trình cũng dàn dựng các các tiết mục nghệ thuật đặc sắc: hoạt cảnh Lời nhắn gửi ngày chia tay, ca cảnh Đi vinh quang ở anh dũng, ca cảnh Ký ức một hành trình, Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Trăng sáng đôi miền (An Chung), tân cổ Tình trong lá thiếp (tân nhạc: Phan Huỳnh Điểu, cổ nhạc: Thanh Phong), Tình ca (Hoàng Việt), Miền Nam ơi chúng ta sẵn sàng (Lưu Cầu), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối, lời Đăng Thục), Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Khát vọng (Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Đặng Viết Lợi)... qua phần thể hiện của các NSND: Tạ Minh Tâm, Tấn Giao, Hồ Ngọc Trinh; các NSƯT: Vân Khánh, Lam Tuyền, Vũ Thắng Lợi, Võ Minh Lâm, Thế Vĩ, Như Huỳnh...; các ca sĩ: Cẩm Vân, Lan Nhung, Hoàng Tú…
Tại chương trình, đại diện Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương cùng các mạnh thường quân đã trao tặng trực tiếp và thông qua Quỹ Chung một tấm lòng (Đài Truyền hình TPHCM) số tiền 2,5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ giáo dục, khuyến học cho 3 địa phương: Đồng Tháp, Thanh Hóa và TPHCM.