(SGGPO).- Rạng sáng nay 21-2, Ban Quản lý dự án đường sắt bắt đầu cẩu lắp đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Phải mất gần 3 giờ đồng hồ, hàng chục công, nhân kỹ sư mới di chuyển và cẩu thành công toa tàu đầu tiên tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) lên đường ray tại nhà ga La Khê.
Theo Ban quản lý dự án Đường sắt, vị trí cẩu lắp lên ray chính tuyến được đặt trên cầu cạn tại vị trí từ trụ JR02 đến JR06, khu vực ga La Khê, nằm trên đường Quang Trung - Hà Đông (giáp ngã tư Quang Trung - Lê Trọng Tấn). Phương án thi công chi tiết cẩu lắp đoàn tàu do Tổng thầu EPC/đơn vị vận tải lập và được tư vấn giám sát kiểm tra, phê duyệt.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên báo SGGP ghi lại:
0giờ 15 chiếc xe đầu kéo chở toa tàu bắt đầu xuất phát từ điểm tập kết tại đường Lê Trọng Tấn kéo dài (Văn Phú, Hà Đông) ra khu vực ga La Khê. Đi trước dẫn đường có xe của thanh tra giao thông và lực lượng của nhà thầu hỗ trợ
Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội như: cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông và CBNV dự án trong công tác điều tiết giao thông, giữ an ninh trật tự trong khu vực để không ảnh hưởng đến các phương tiện qua lại và đảm bảo an toàn
Trước đó, từ 22 giờ 30 ngày 20-2, bắt đầu phong tỏa đường và các lực lượng chuẩn bị cẩu cũng như các thiết bị, sẵn sàng khi xe đầu kéo đưa toa tàu vào vị trí là có thể lắp thiết bị, tiến hành cẩu thuận lợi
Toàn bộ toa tàu được giằng xích và phủ bạt cẩn thận
Khoảng 0 giờ 45, xe vào vị trí cẩu. Các nhân viên kỹ thuật nhanh chóng tháo gia cố toa tàu khỏi xe đầu kéo, đồng thời kiểm tra các thiết bị trước khi lắp vào toa tàu để cẩu lên. Việc lắp thiết bị, cáp treo vào toa tàu để cẩu được tiến hành rất cẩn trọng.
Rất đông người dân và phóng viên báo chí chờ xem cẩu. Mặc dù đã khuya nhưng nhiều gia đình cho cả con nhỏ ra xem. Hai cha con anh Nguyễn Khắc Tiến, Nguyễn Khánh An (Thanh Nhàn – Hà Nội) đã ở đây từ 22 giờ tối 20-2 cho đến thời khắc toa tàu được nâng lên. Anh Tiến cho biết: “Việc tuyến đường sắt trên cao được xây dựng là một sự tất yếu của phát triển giao thông đô thị. Đây là công trình giao thông lớn của đất nước nên tôi cũng rất háo hức chờ đợi”.
Việc cẩu các toa tàu lên cầu cạn được thực hiện bằng cẩu bánh xích Kobelco CKS2500 (cần cẩu loại 250 tấn), cần chính 51,8m; bán kính hoạt động từ 10,8m đến 12m. Công đoạn lắp cáp, thiết bị để cẩu mất khá nhiều thời gian vì phải kiểm tra kỹ lưỡng. Phải đến 2 giờ 20 sáng 21-2, toa tàu mới được cẩu nâng lên khỏi sàn xe
Tất cả căng thẳng dõi theo cần cẩu vì toa tàu được cẩu ngang trong không gian khá hẹp và bị vướng cây cối, cột đèn đường
Công đoạn cẩu nâng toa tàu lên đường ray diễn ra khá nhanh. Chỉ mất khoảng 20 phút, với sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các bộ phận, toa tàu nặng khoảng 32 tấn đã được cẩu thành công, đặt trên cầu cạn cao khoảng 13m so với mặt đất, đảm bảo an toàn. Ngay sau đó, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị nhà thầu rà soát lại phương án cẩu, đánh dấu các vị trí để rút kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện việc cẩu 3 toa tàu còn lại trong đêm nay.
Thực hiện: Lã Anh
Các tin, bài viết khác
- Vụ ô tô đâm gãy chân học sinh trong trường học: Bộ GD-ĐT đề nghị xử lý nghiêm
- Hà Nội bắt đầu tổng điều tra kinh tế
- Hà Nội đề xuất thay đổi kết cấu đê sông Hồng
- Cháy lớn ở phố cổ Hà Nội, một người tử vong
- Ngày đầu Hà Nội xử phạt lấn làn buýt BRT
- Hà Nội: Phạt ba tài xế taxi tiểu bậy 6 triệu đồng
- Hà Nội lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ thuế, tiền sử dụng đất
- Được phép sản xuất kinh doanh loài cá chim trắng thả phóng sinh ở sông Hồng
- Hà Nội: Ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau tết
- Hà Nội nhiều di tích, đình chùa đông khách ngày đầu năm