Có mặt tại phường Kỳ Thịnh, phóng viên Báo SGGP ghi nhận, cầu sắt bắc qua tuyến kênh thoát lũ ở địa bàn tổ dân phố Bắc Phong được làm bằng hệ thống thanh sắt thép loại lớn và gỗ, đá… nhưng đã bị hư hỏng, bỏ hoang từ lâu, người dân và các phương tiện không thể lưu thông qua lại. Cây cầu có chiều dài khoảng 80-100m, chiều rộng khoảng 4-5m, cao khoảng 3-5m. Tại một số nhịp cầu, các khối gỗ đã bị mục nát, rọ đá bị sụp lún, cuốn trôi, sắt thép hoen gỉ và đổ nghiêng xuống sông, cầu có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng ở 2 đầu cầu không hề có rào chắn hoặc biển cảnh báo.
Ông Lê Văn Huynh (sinh năm 1964, trú tổ dân phố Bắc Phong, nhà ở gần cầu) cho biết, người dân muốn qua bên kia kênh bắt buộc phải đi đường vòng mất khoảng 1-2km rất bất tiện, các em học sinh phải đi đường xa đến trường học tập, khổ sở nhất là vào mùa mưa bão.
Cách cầu sắt ở tổ dân phố Bắc Phong khoảng 3km về phía quốc lộ 1A, từ nhiều năm nay, có một cây cầu sắt khác bắc qua tuyến kênh thoát lũ ở tổ dân phố Nam Phong, chiều dài khoảng 50-70m cũng trong tình trạng bị hư hỏng, không thể lưu thông. Hai đầu cầu không có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm.
Theo bà Lê Thị Thạnh (sinh năm 1958, trú tổ dân phố Nam Phong), trước đây, khi cầu sắt này còn sử dụng được thì việc đi lại, sản xuất, đi chợ, học tập của người dân và học sinh rất thuận tiện, nhanh chóng. Tuy nhiên, sau đó cầu bị hư hỏng, đổ nghiêng... người dân muốn qua bên kia kênh chỉ còn cách phải đi đường vòng khá xa, rất bất tiện. Thời gian qua người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp xem xét đầu tư kinh phí để làm lại cầu nhưng không có kết quả.
Theo ông Lê Văn Nga, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Thịnh, 2 cầu sắt này được xây dựng trên tuyến kênh thoát lũ từ năm 2010 khi làm đê ngăn lũ, khoảng năm 2014-2015 đến nay thì không sử dụng nữa, cầu bị bỏ hoang, hư hỏng. Thời gian qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, địa phương cũng đã nhiều lần có kiến nghị, đề xuất thị xã Kỳ Anh để tháo dỡ nhưng chưa được chấp thuận.