Nằm trên xa lộ Hà Nội - cách trung tâm TPHCM 7 km, cầu Rạch Chiếc, một trong 3 cây cầu quan trọng nhất ở cửa ngõ phía Đông TP. Trong dòng người và xe cộ tấp nập ra vào TP hôm nay, có không ít người, nhất là các bạn trẻ có hay biết rằng họ đã và đang đi qua một cây cầu lịch sử. Nơi đây hơn 32 năm về trước đã diễn ra những trận đánh khốc liệt trong những ngày cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975, được lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch : “Phải nhanh chóng đánh chiếm, giữ cho được cầu Rạch Chiếc bằng mọi giá”, các đơn vị D81,Z22, Z23 thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316 đã chiến đấu hết sức ngoan cường, dũng cảm trong những điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt.
Họ phải tiến công vào cụm phòng thủ kiên cố của địch với binh hỏa lực mạnh hơn hẳn và ở giữa địa hình trống trải, không có thời gian điều tra trinh sát, không có lực lượng tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men, đạn dược… Thế nhưng, với ý chí quyết thắng, các đơn vị đã hoàn thành xuất xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững cây cầu cho đại quân tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch. Và để giữ vững chiếc cầu này, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Ngày nay, khu vực cầu Rạch Chiếc đã và đang thay da đổi thịt mỗi ngày. TP cũng đang xúc tiến thực hiện dự án cấp TP-xây dựng nơi đây thành khu liên hợp thể dục thể thao - công viên - giải trí rộng 227 ha với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. Một cây cầu mới “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” sẽ hình thành.
Nhưng nơi đây vẫn chưa có công trình nào dù chỉ là một tấm bia để ghi công những người con đã dũng cảm hy sinh cho đất nước. Cầu Rạch Chiếc bây giờ là điểm giáp ranh của 3 quận: 2, quận 9 và Thủ Đức. Thực ra, quận 2 cũng đã có ý định xây dựng một cụm tượng đài nơi đây. Từ năm 1998 đến nay quận cùng một số cơ quan chức năng của TP đã tổ chức đến 10 cuộc hội thảo về chiến thắng Rạch Chiếc và dự án xây dựng cụm tượng đài chiến thắng.
Thậm chí, cuối năm 2004 Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM đã chính thức thông báo việc xây dựng cụm tượng đài chiến thắng Rạch Chiếc và dự kiến công trình sẽ khởi công vào ngày 28-4-2005. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao đã hơn 3 năm trôi qua công trình mang ý nghĩa lịch sử vẫn chỉ là những ý tưởng… trên giấy.
Theo ông Nguyễn Văn Thuật, nguyên là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 81 (thuộc Đoàn Đặc công biệt động 316), người đã từng chỉ huy trận đánh này và hiện nay gia đình ông đang ở ngay cạnh chân cầu, cho biết rằng thỉnh thoảng vẫn có những gia đình lặn lội từ miền Bắc vào và tìm đến cầu Rạch Chiếc mong mỏi tìm được mộ con.
Vì chẳng có chỗ nào thắp hương nên họ đành ngậm ngùi đứng trên cầu khấn người đã khuất. Và hàng năm cứ đến ngày 27-4, nhiều cán bộ chiến sĩ đã từng tham gia trận đánh ngày ấy lại tụ về đây để tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Thương nhớ đồng đội họ cũng chỉ biết thắp nén hương, rồi thả hoa xuống dòng nước.
Xây dựng một cụm tượng đài hay chỉ là một tấm bia nhỏ với diện tích đất chừng dăm bảy mét vuông không chỉ là nỗi chờ mong của những người lính đã từng chiến đấu nơi đây mà còn là ước nguyện của người dân TP.
Để tri ân những người đã hy sinh xương máu cho ngày toàn thắng và cũng để giáo dục cho thế hệ con cháu hiểu rõ ý nghĩa của một cây cầu, mong sao chính quyền quận 2 và các ngành hữu quan của TP quan tâm hơn đến ước nguyện cháy bỏng nói trên.
Thanh Tùng