Câu “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” là của ai?

Hỏi:

Hỏi: Câu “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” là của ai? Phạm Ngọc Liên (TPHCM)

PGS-TS Lê Trung Hoa: Câu trên có nghĩa là “Vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung; cha bắt con chết, con không chịu chết là bất hiếu”.

Trong tác phẩm Cơ cấu Việt Nho (Sài Gòn, 1973), Kim Định cho rằng câu này là của thái tử Phù Tô, con trưởng của Tần Thủy Hoàng. Còn Nguyễn Đăng Thục trong tác phẩm Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I (NXB TPHCM, 1998, tr.678) cho rằng của Tống Nho. Tuy nhiên, cả hai tác giả đều không nêu ra tư liệu xuất xứ nào. Do đó, cả hai ý kiến đều chưa được chấp nhận.

Nhưng chắc chắn câu đó không phải của Nho giáo Tiên Tần (trước năm 206 trước Tây lịch). Trong sách Luận ngữ của Khổng Tử (551-479) có câu: “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Mạnh Tử (371-289) nói rõ hơn: “Vua coi bề tôi như chân tay, bề tôi sẽ coi vua như tâm phúc; vua coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người đi đường; vua coi bề tôi như đất cỏ, bề tôi sẽ coi vua như giặc thù”. Và ông nói tiếp: “Chỉ nghe giết một người tên Trụ (tức Trụ Vương), có nghe nói giết vua bao giờ đâu”. Tuân Tử (298-238) tuyên bố: “Giết một tên vua tàn bạo có khác gì giết một tên phu xe độc ác”.

Tóm lại, ở giai đoạn Tiên Tần, Nho giáo rất tiến bộ. Cho nên có lẽ câu trên chỉ ra đời sau này nhưng chưa biết vào thời nào và của ai. 

Tin cùng chuyên mục