Buổi gặp gỡ nhằm thực hiện tốt vai trò là cầu nối xúc tiến hàng hóa Việt Nam với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, Singapore, Canada, Ba Lan, Ý, UAE, Nigeria, Kuwait...
Tại buổi gặp, các tham tán và trưởng chi nhánh thương mại đã trao đổi những thông tin cần lưu ý về thị trường của từng quốc gia, giải đáp thắc mắc; đồng thời, ghi nhận những yêu cầu cũng như kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại tại Singapore, cho hay sẽ tìm kiếm nhiều thông tin về thị trường, thế mạnh của DN xuất khẩu Việt Nam để có thể cung cấp, kết nối với các đối tác ở nước ngoài. Để công tác kết nối đạt hiệu quả, bà Quỳnh đề nghị các DN cũng phải chủ động cung cấp thông tin thật cụ thể về DN để có thể chào bán hàng hóa tốt hơn ở các địa phương mà tham tán đảm nhận nhiệm vụ. Riêng Singapore là thị trường nhỏ với 6 triệu dân, Việt Nam và Sinpapore đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, hiệp định kết nối 2 nền kinh tế, vì thế quan hệ thương mại 2 nước rất phát triển và các DN nên tận dụng khai thác những thế mạnh để tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán thương mại tại Ý, cho biết thị trường Ý với thế mạnh ở các ngành hàng như dệt may, da giày, công nghệ thời trang, cà phê... Các DN xuất khẩu ở các nhóm hàng này quan tâm, có thể liên hệ trực tiếp với thương vụ tại Ý để được tư vấn, hỗ trợ. Tham tán Nguyễn Thanh Hải tại Thái Lan cũng lưu ý các DN, hàng năm tại Thái Lan diễn ra hàng loạt sự kiện hội chợ xúc tiến thương mại của khu vực và thế giới. Thái Lan được xem là thị trường trung chuyển hàng hóa đến nhiều thị trường khác trên thế giới; do vậy, DN Việt Nam phải chú trọng đến vấn đề này.
Theo ITPC, hiện nay nhu cầu của DN xuất khẩu không chỉ nằm ở chỗ thông tin về thị trường, về các quy định, hàng rào kỹ thuật, thuế quan… mà còn về nhiều vấn đề khác như tra cứu tín dụng của DN đối tác nước ngoài, cảnh báo rủi ro liên quan đến các hoạt động xuất khẩu. Trên thực tế, DN không đủ nguồn lực để thực hiện những điều này mà cần sự giúp sức từ các tham tán. Mỗi thị trường có những đặc thù riêng nên DN phải chủ động nghiên cứu thật kỹ để có thể giảm rủi ro ở mức thấp nhất; trong đó, các tham tán thương mại được coi như kênh thông tin chính thống, hỗ trợ thiết thực nhất cho DN xuất khẩu trong nước. Với tinh thần chung, các tham tán thương mại sẽ nỗ lực, chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin, hỗ trợ DN nhưng bản thân các DN cũng phải thật sự chủ động nắm bắt thị trường, nâng cao trình độ trong kinh doanh thương mại quốc tế.