
Dù ở đâu, người Việt ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt ở CH Czech, vẫn luôn tự hào với cội nguồn văn hóa của mình. Vừa qua, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Czech, chính quyền phường Praha - Libuš ở TP Praha, Lễ hội Tết Việt và Lễ hội cổ truyền Masopust của Czech cùng tổ chức tại Nhà hàng Đông Đô ở Praha. Từ hơn 10 năm nay, hai lễ hội đã trở thành truyền thống không thể thiếu với cộng đồng người Việt và cư dân Czech sinh sống ở Praha - Libuš. Năm nay, có khoảng 500 người tìm đến lễ hội.
Mở màn lễ hội là màn múa lân với những tiếng trống rộn ràng, rực rỡ sắc màu và sôi động. Nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Czech đã được thể hiện qua một chương trình văn hóa đa dạng với những làn điệu dân ca truyền thống, điệu múa, ca khúc và các nhạc cụ dân tộc đến từ đoàn nghệ thuật dân gian Kohoutek, Hiệp hội Kintari, nghệ sĩ Dương Huyền Ly, tổ chức U Nguyenů.
Các khách mời nhỏ tuổi trong chương trình cũng say sưa tham gia nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội. Bên cạnh tiết mục văn nghệ là thưởng thức ẩm thực. Trên bàn tiệc là những món ăn chính thống của Czech như thịt heo quay, xúc xích, dưa cải muối chua… và món ăn truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán như bánh chưng, xôi gà, giò... Không khí lễ hội tưng bừng đã làm xóa nhòa mọi ranh giới về ngôn ngữ, sắc tộc, cũng như thể hiện mạnh mẽ thông điệp: Cùng chung sống hòa thuận.

Ở những năm đầu được tổ chức, lễ hội này diễn ra sau Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Nhưng vài năm gần đây, việc tổ chức được lùi lại để trùng thời gian tổ chức Lễ hội Masopust kéo dài 40 ngày trước lễ Phục sinh. Hai lễ hội cùng diễn ra trong tháng 3 cũng là dịp để người Czech và người Việt có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa của nhau.
Trong lời chúc mừng người Czech và Việt Nam trong sự kiện lễ hội, bà Mgr. Kateřina Turnová, Phó chủ tịch phường Praha - Libuš, khẳng định sự kiện giúp cộng đồng hai dân tộc Việt - Czech ngày càng gắn bó. Đây cũng là dịp để động viên các thế hệ trẻ học tập tốt hơn nữa để hòa nhập vào nước sở tại, nhưng vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa, hướng về quê hương đất nước, giúp các bậc phụ huynh giáo dục con cái về truyền thống văn hóa cội nguồn.
Bên cạnh việc tổ chức các lễ hội văn hóa, thành phố và Bộ Nội vụ đã có nhiều dự án hội nhập, trong đó nổi bật nhất là dự án dạy tiếng Czech cho trẻ em Việt Nam. Các em nhỏ luôn thể hiện sự cố gắng, nỗ lực và chăm học, đạt được thành tích cao trong các kỳ thi.
Có thể thấy, sự kiện lễ hội một lần nữa đã góp phần thiết thực trong việc gắn kết giữa hai dân tộc, cũng như khẳng định vị thế, vai trò của cộng đồng người Việt tại Czech. Cộng đồng cũng là cầu nối quan trọng góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và CH Czech.
Nếu như thời gian đầu đặt chân đến Czech, phần đông người Việt chỉ tập trung làm ăn, buôn bán nhỏ, ít có các hoạt động tương tác với cộng đồng bản xứ thì ngày nay, người Việt đã có sự phát triển vượt bậc, hội nhập tốt hơn với cộng đồng.
Sau khi được công nhận là một dân tộc thiểu số ở Czech, Chính phủ Czech đã có nhiều hỗ trợ cho cộng đồng người Việt trong bảo tồn văn hóa và các hoạt động xã hội. Praha - Libuš là khu vực tập trung đông người Việt, với hàng ngàn người đang kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Sapa. Trung tâm này từ lâu đã trở thành trung tâm văn hóa, nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện truyền thống lớn của kiều bào tại Czech.