Tạo sự đoàn kết
Quận 9 đô thị hóa cách đây không lâu, bởi vậy vài năm trước, nhiều đường, hẻm ở khu phố 4 phường Tăng Nhơn Phú A vẫn là đường đất, nhỏ xíu và ngập nước mỗi khi mùa mưa đến.
“Đô thị hóa, nhiều căn nhà 3, 4 tầng mọc lên thì đường sá cũng phải khang trang sao cho tương xứng. Tôi nghĩ vậy nên cùng Ban điều hành khu phố ra sức vận động người dân hiến đất, góp tiền nâng cấp và mở rộng hẻm. Nhờ vậy mà hiện nay, các con hẻm ở khu phố đều được trải nhựa, tráng bê tông, có cống thoát nước đầy đủ. Hơn 2 năm nay, khu phố 4 đã đô thị hoàn toàn”, anh Thương khoe.
Hơn 10 tuyến hẻm của đường Làng Tăng Phú và đường Số 12, hẻm nào cũng khang trang, sạch đẹp. Bà Trương Thị Kim Nhung (ngụ hẻm 52 đường Làng Tăng Phú), người hiến hơn 200m2 đất trị giá hàng tỷ đồng, cho biết bà đã từng rất xót đất; nhưng khi đường hẻm thông thoáng, đường vào nhà bà thẳng băng, rộng rãi, điều tiếc nuối xưa kia nhanh chóng tan biến.
Bà Nhung nói: “Tiếng là cho đi nhưng thực tình tôi cũng được nhận lại. Cho đi đất thì mình và bà con được đi lại thuận lợi hơn, giá trị nhà đất tăng lên. Chú Thương phân tích thế, tôi thấy đúng nên đồng ý hiến đất”. Từ sự vận động của anh Thương, gần 4 năm qua, hàng ngàn mét vuông đất đô thị được người dân hiến tặng để làm đường, hàng tỷ đồng được người dân vui vẻ đóng góp để nâng cấp đường, hẻm.
thay thế cho bãi rác ngày trước
Năm 2018, Thành ủy TPHCM phát động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh, rạch vì một thành phố sạch và giảm ngập nước”, anh Thương bàn với Ban điều hành khu phố 4 cải tạo công viên này. Kinh phí hạn chế, anh Thương đi từng vườn cây cảnh trong phường để xin hoa, xin cây về trồng. Thấy vậy, người dân cùng xúm vào hỗ trợ, người đi mua hoa, người mua chậu cảnh, mua thiết bị làm tiểu cảnh, người lại tặng ghế đá, rồi bỏ công ra cải tạo công viên.
Với sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể cùng người dân trong khu phố, sau gần 2 tháng, Công viên Hoa Hồng Ngọc thay da đổi thịt, trở thành nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí của cả khu phố.
Giúp người lao động nâng cao tay nghề
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bưng cỏ lác, 13 tuổi anh Thương ra đời, tự mưu sinh bằng nghề thợ hồ nên hơn ai hết, anh hiểu những cơ cực của nghề này. Bởi vậy anh luôn đau đáu làm sao giúp thanh niên trong khu phố nâng cao tay nghề, tăng thu nhập, để đồng lương xứng đáng với mồ hôi họ bỏ ra.
“Kinh nghiệm thì có nhưng lý thuyết thì tôi thua. Nếu chỉ cần làm thợ làng nhàng kiếm vài ba trăm ngàn đồng một ngày, chấp nhận công việc bữa đực bữa cái thì nghề học nghề là ổn. Nhưng muốn nó trở thành nghề thực sự, chuyên sâu hơn, xử lý được nhiều công trình đòi hỏi kỹ thuật khó thì phải học, đó là con đường duy nhất”, anh Thương chia sẻ.
Năm 2017, biết Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức cuộc thi Bàn tay vàng, là cơ hội để những người làm trong ngành xây dựng thể hiện năng lực, anh Thương liên hệ với các kỹ sư, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TPHCM nhờ hỗ trợ về lý thuyết. Bản thân anh rèn luyện thêm tay nghề cho thanh niên khu phố 4 tham gia.
Việc kết nối để thầy - trò lên lớp là rất khó, vì vậy anh Thương ở giữa, vừa làm học trò của các giảng viên, kỹ sư, lại vừa làm thầy của những thợ hồ trẻ. Học đến đâu, anh dạy lại cho họ đến đó, chỗ nào “thầy” Thương không hiểu thì lại liên hệ giảng viên để họ giải đáp.
Cứ vậy, từ năm 2017 đến nay, anh Thương truyền đạt dạy lý thuyết cho hơn 10 thanh niên trong khu phố và dìu dắt họ tham gia cuộc thi Bàn tay vàng. Với nỗ lực ấy, năm 2017, Đoàn Thanh niên khu phố 4 đoạt giải nhất, năm 2018 giành giải ba cuộc thi Bàn tay vàng.
Uy tín từ hội thi, những thợ hồ trẻ ở khu phố 4 được người dân tin tưởng, giao cho nhiều công trình xây dựng, nhờ vậy mà thu nhập họ ổn định hơn, giúp gia đình thoát nghèo, như gia đình anh Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Văn Tho, Nguyễn Minh Tuấn, Trương Phước... Trái ngọt đến với cuộc sống của những thợ hồ trẻ có sự góp phần rất lớn của anh Thương.