TPHCM - ĐBSCL vốn gắn bó máu thịt từ trong lịch sử hình thành và phát triển, luôn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Thực tiễn phát triển đặt ra yêu cầu liên kết nội vùng, kết nối liên vùng trong nhiều lĩnh vực mà đầu tư hạ tầng giao thông phải đi trước mở đường phát triển. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM xác định việc thành phố chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và các khu vực, địa phương trong cả nước.
TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của một trung tâm đa chức năng, có sức thu hút, tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng Mekong. Cùng với TPHCM, đô thị này là “nút kép” tạo ra không gian phát triển liên vùng. Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành là hiện thực hóa yêu cầu đó.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của “2 nút kép liên vùng” này được đánh giá là chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt của Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và TPHCM đối với cả nước đang gặp phải những thách thức mới, có biểu hiện suy giảm; năng lực cạnh tranh của Cần Thơ trong nhóm các đô thị loại I của quốc gia và tính cạnh tranh quốc tế của TPHCM còn thấp.
Do đó, hợp tác liên vùng và liên kết giữa TPHCM với Cần Thơ cùng các tỉnh vùng ĐBSCL cần ưu tiên cho mục tiêu phát triển chung, tạo lập không gian kinh tế chung, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nhau và huy động tốt nhất các nguồn lực phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt công trình giao thông, hạ tầng quan trọng có ý nghĩa liên kết vùng đang được tập trung đầu tư sẽ tạo ra không gian phát triển mới, rất cần cơ chế hợp tác mới thực chất, hiệu quả. Cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước.
Kỳ vọng về một diện mạo mới cho không gian phát triển liên vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông miền Tây, nhưng cần tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn. Phát triển giao thông vùng ĐBSCL cần giải bài toán vốn ít - nhu cầu đầu tư lớn, kết nối các công trình hiệu quả, khắc phục tình trạng tiến độ thi công chậm. Bộ GTVT, các tỉnh thành miền Tây cần phối hợp chặt chẽ với TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ bố trí không gian phát triển các trục xương cá liên kết với Quốc lộ 1, các tuyến cao tốc đã, đang và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Đặc biệt, cần khẩn trương hoàn thành đường cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối miền Tây - miền Đông Nam bộ, tăng tốc hoàn thiện các cung đường kết nối huyết mạch liên vùng.
Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, đảm bảo các yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Các tỉnh, thành trong vùng cần chủ động gắn kết phát triển địa phương với quy hoạch vùng để khai thác lợi thế từ các công trình giao thông trọng điểm mang lại.