Mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và là minh chứng cho thấy, chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân. Cùng với một số địa phương trong cả nước, hiệu quả hoạt động của các tổ Covid cộng đồng tại TPHCM thời gian qua lần lượt làm rõ thêm nhận định này.
Lực lượng nòng cốt
Quận 7 là một trong những địa phương thành lập tổ Covid cộng đồng sớm nhất trên địa bàn TPHCM. Từ đầu năm 2021, những tổ Covid cộng đồng đầu tiên ra đời, đến nay quận 7 đã có 564 tổ với 1.432 thành viên (mỗi tổ có từ 2-3 thành viên). Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 7, ngay khi địa bàn xuất hiện những ca F0 đầu tiên, quận đã vận hành tổ Covid cộng đồng. Lực lượng này thực hiện nhiệm vụ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân phòng chống dịch, thực hiện nguyên tắc 5K.
Tổ cũng là lực lượng nòng cốt tại các vùng bị phong tỏa, cách ly y tế, thăm hỏi tình hình sức khỏe người dân, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay các trường hợp có triệu chứng số, ho, khó thở. Tổ còn tích cực tham gia bảo vệ vùng xanh, xây dựng vùng an toàn về dịch và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. “Qua đợt dịch gần đây, tổ Covid cộng đồng đã thể hiện là lực lượng không thể thiếu trong công tác phòng chống dịch ở địa phương. Họ là lực lượng bám địa bàn, gần dân nhất nên là cầu nối hiệu quả nhất của địa phương với nhân dân”, ông Nguyễn Văn Tuyền đánh giá.
Bà Đặng Thị Kim Trang, thành viên tổ Covid cộng đồng 38 (khu phố 4A, phường Bình Thuận, quận 7) tham gia từ ngày đầu thành lập tổ. Ngày nào bà Trang cũng sấp ngửa với đủ việc không tên, từ hỗ trợ địa phương tuyên truyền, giám sát về y tế đến chăm lo từng bữa ăn cho người dân. Bà Trang cho biết, gia đình có người làm trong ngành y nên bà sớm ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Vì vậy, khi địa phương vận động người dân tham gia tổ Covid cộng đồng, bà đăng ký liền. “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhân sự của địa phương không thể bao quát, sâu sát đến từng hộ dân. Không ai gần gũi và hiểu người dân bằng chính người dân. Tôi tham gia tổ Covid cộng đồng cũng mong hỗ trợ được bà con chòm xóm và địa phương trong lúc ngặt nghèo này”, bà Trang chia sẻ. Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, bà Trang chủ yếu có mặt ngoài đường, trên xe lúc nào cũng treo vài hộp khẩu trang, nước xịt khuẩn. Thấy người nào không đeo khẩu trang, bà lấy ra tặng và tế nhị nhắc nhở. Bà cũng khéo léo vận động mọi người ở yên trong nhà bằng cách ghi lại những nhu cầu của họ để sắp xếp hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy mà người dân trong tổ 38 luôn tuân thủ nguyên tắc 5K và nhắc nhớ về một tình nguyện viên nhiệt huyết Đặng Thị Kim Trang.
Ở khu phố Ông Nhiêu (phường Long Trường, TP Thủ Đức), ông Lê Văn Tây cũng là một trong những thành viên đầu tiên đăng ký tham gia tổ Covid cộng đồng. Quá trình hoạt động, lăn xả tại địa bàn và hỗ trợ tổ y tế lấy mẫu xét nghiệm, ông Lê Văn Tây đã kịp thời phát hiện 16 trường hợp mắc Covid-19 để báo địa phương xử lý. Nhờ đó, địa phương nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn dịch thấm sâu vào cộng đồng.
Tiếp tục phát huy vai trò khi phục hồi kinh tế
TP Thủ Đức hiện có 2.140 tổ Covid cộng đồng với 5.942 thành viên. Trong đó, 1.454 thành viên là đảng viên, 2.622 thành viên là đoàn viên, hội viên của các đoàn thể, hội quần chúng, 2.279 thành viên là các cô, chú trưởng, phó khu phố; tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Thủ Đức thông tin, từ khi thành lập đến nay, các tổ Covid cộng đồng phát huy tốt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, khi TPHCM thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội, không thể trực tiếp gặp gỡ tuyên truyền, vận động thì thành viên các tổ Covid cộng đồng sử dụng hình thức thông qua mạng xã hội kết nối với các hộ gia đình. Qua đó, truyền thông, vận động nhân dân thực hiện các quy định giãn cách xã hội, không đi ra ngoài khi không cần thiết và tuân thủ nguyên tắc 5K…
Quận 1 cũng có 645 tổ Covid cộng đồng với gần 1.700 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Kim Đức, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 1 chia sẻ, ngoài các cô, chú trưởng khu phố, tổ trưởng tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng của quận thu hút khá đông người dân tham gia và đã hỗ trợ đắc lực cho địa phương. “Với những địa bàn bị phong tỏa, cách ly y tế, nếu không có tổ Covid cộng đồng thì rất nhiều hoạt động gần như địa phương không triển khai được”, ông Nguyễn Kim Đức khẳng định.
Theo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, toàn thành phố hiện có 24.644 tổ Covid cộng đồng, với 65.332 thành viên. Thời gian qua, các tổ đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là lực lượng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội trong các khu phong tỏa, nắm tình hình các hộ cách ly, kịp thời thông tin, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời tham gia hỗ trợ F0, F1 cách ly tại nhà… Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ là giám sát việc thực hiện chi trả các gói hỗ trợ cho người dân; bảo vệ vùng xanh, góp phần rất lớn vào thành quả chung của công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Với vai trò nòng cốt trong phòng chống dịch tại cơ sở, theo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, việc duy trì hoạt động của tổ Covid cộng đồng trong thời gian tới là cần thiết. Nhất là giai đoạn thành phố tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. “Nhiệm vụ trong tâm của tổ Covid cộng đồng trong thời gian tới là nắm tình hình nhân dân, giúp cho việc cụ thể hóa trong thực hiện các chủ trương, chính sách về phòng chống dịch bệnh và chăm lo đời sống nhân dân của Đảng, chính quyền các cấp sát với tình hình thực tiễn cơ sở”, đại diện Ban Dân vận Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.